NHNN bỏ đề xuất cho phép rút tiền mặt qua máy POS

NHNN vừa công bố Thông tư 26/2017-TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Không cho phép rút tiền mặt qua POS

Tại thông tư 26 có nội dung sửa đổi, bổ sung các hành vi bị cấm và các quy định để phòng ngừa, hạn chế rủi ro phát sinh trong thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ.

Đáng chú ý, NHNN bổ sung khoản 2 Điều 8 như sau: Việc thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại ĐVCNT (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ) sẽ bị cấm.

Như vậy, chủ thẻ sẽ không được phép rút tiền mặt tại các máy POS. Trước đó, quy định cho phép chủ thẻ được rút tiền mặt qua máy (POS) đã được đưa vào trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết một số ngân hàng lớn đã đề xuất cho phép chủ thẻ được rút tiền mặt qua máy (POS) với mức tối đa là 5 triệu đồng/ngày. Theo thông lệ quốc tế cũng cho phép rút tiền mặt qua POS tại đơn vị chấp nhận thẻ.

Tối đa được rút tiền mặt 30 triệu đồng/ ngày bằng thẻ ở nước ngoài

Bổ sung thêm khoản 1a tại Điều 14 về việc kiểm soát sử dụng thẻ để thanh toán, rút tiền mặt ở nước ngoài.

Trong đó, đối với việc rút tiền mặt bằng thẻ ở nước ngoài, TT26 quy định một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày.

Hạn mức tín dụng tối đa cho trường hợp không có tài sản bảo đảm là 500 triệu đồng

Bên cạnh đó, TT hướng dẫn nội dung hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng. Cụ thể, trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ do tổ chức phát hành thẻ xác định theo quy định nội bộ của về cấp tín dụng quả thẻ tín dụng và tối đa là 1 tỷ đồng. Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.

Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không cần tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ vẫn được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng.

Thông tư, sửa đổi quy định về đối tượng được mở và sử dụng thẻ tại điểm b, khoản 1, Điều 16. Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

Theo quy định cũ tại Thông tư 19, những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng phải có tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước.

Ngoài ra, Thông tư còn bổ sung một số quy định về giải thích từ ngữ, thủ tục phát hành thẻ, thông tin trên thẻ. Trong đó, bổ sung khái niệm thanh toán thẻ qua Mã phản hồi nhanh (Quick Response Code – QR Code) là việc sử dụng QR Code để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ cho ĐVCNT; bao gồm hình thức QR Code từ phía đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) (Merchant-Presented QR Code) và hình thức QR Code từ phía chủ thẻ (Consumer-Presented QR Code).

Ngành ngân hàng đặt ra 4 mục tiêu cho năm 2018

Bài viết mới