Ngày hôm qua, tôi không kìm nổi sự ngạc nhiên tột độ khi khắp các mặt báo đều đưa tin về nội dung mới nhất – và cũng gây tranh cãi nhất liên quan đến Tổng thống Donald Trump: người quyền lực nhất nước Mỹ gọi Haiti – một quốc gia nhỏ bé với 11 triệu người, nằm cách Florida khoảng 1.200 km về phía đông nam – là một đất nước “dơ bẩn” và những công dân của nước này nên bị cấm cửa trên đất Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 trước đây, ông Trump còn nêu suy nghĩ của mình rằng tất cả người dân Haiti đều bị AIDS.
Nhiều năm trước, tôi từng nghiên cứu về Haiti trong một khoảng thời gian. Tôi còn viết một quyển sách có tựa “Haiti in the Balance” (tạm dịch: “Haiti trong thế cân bằng”), và xuất bản vài nghiên cứu về quốc gia này. Tôi đã dạy những học sinh người Haiti sau khi các em tìm đường trốn sang Florida để thoát khỏi vô số những vấn đề kinh tế, chính trị và thiên tai ở quê nhà.
Trên thực tế, Haiti là quốc gia nghèo nhất bán cầu Tây và nằm trong top 5 nước nghèo nhất thế giới. Chính phủ nước này hoạt động không hiệu quả. 80% dân số sống trong nghèo đói. Một nửa người dân sống dựa vào không tới 1 USD cho 1 ngày. Khi ở đó, tôi vẫn thường bắt gặp cảnh những người dân lang thang trên các con phố với 1 đến 2 điếu thuốc để bán cho khách bộ hành và đó là khoản tiền duy nhất họ kiếm được mỗi ngày.
Người dân Haiti không có tội, mà vấn đề nằm ở giới cầm quyền, chính phủ Mỹ và các tổ chức cứu trợ quốc tế. Thay vì đổ lỗi cho người dân Haiti, chúng ta nên hỏi tại sao thế giới khiến Haiti ngày càng đói khổ hơn.
Hãy nghĩ về chuyện này: Haiti và Cộng hòa Dominica sống trên cùng 1 đảo. Nhưng Haiti thì nghèo, trong khi Dominica lại khá sung túc!
Anh hùng dân tộc Haiti Toussaint Louverture. Ảnh: Getty
Haiti đã luôn là một quốc gia nghèo khó. Trước đây, quốc gia này là thuộc địa của người Pháp hồi những năm 1800 khi nô lệ người châu Phi và con cháu của họ bị ép lao động trên những đồn điền trồng cacao, cà phê và xoài. Năm 1804, những người nô lệ, dẫn đầu là vị anh hùng dân tộc Toussaint Louverture, nổi dậy, lật đổ người Pháp và tạo lập nên nước cộng hòa tự do đầu tiên của người da màu. Mọi chuyện bắt đầu xuống dốc từ thời điểm đó.
Sau cuộc cách mạng, một tầng lớp xã hội mới xuất hiện, làm chủ đất nước: những người lai – hậu duệ của người châu Phi và người Pháp.
Người lai chiếm quyền điều hành Haiti thông qua việc tập trung quyền lực chính trị và kinh tế, sau đó gây áp lực lên cộng đồng người da màu nghèo, không có tiếng nói. Thậm chí ngày nay, tầng lớp người lai thống trị chỉ chiếm 1% dân số, nhưng kiểm soát hơn một nửa nền kinh tế và hầu hết chính phủ, ít nhất quahình thức gián tiếp.
Haiti là một quốc gia khá phân biệt chủng tộc. Những người da màu nghèo khó nói tiếng Haiti-Creole, một ngôn ngữ kết hợp của tiếng Pháp và tiếng Haiti, trong khi tầng lớp cai trị dùng tiếng Pháp trong các mối làm ăn. Hệ thống pháp luật được thực thi bằng tiếng Pháp, do đó, những người nghèo không biết ngôn ngữ này thường xuyên bị bóc lột.
Hết lần này tới lần khác, các nhà lãnh đạo da màu nổi lên để chiếm quyền kiểm soát đất nước. Nhưng tất cả đều trở thành (hoặc cố trở thành) những nhà độc tài và quay sang bóc lột những người ủng hộ họ. Tổng thống thứ 2 của Haiti, Jean-Jacques Dessalines (giai đoạn 1804-1806), tự gọi mình là “hoàng đế”; tổng thống thứ 3, Henry Christophe (giai đoạn 1806-1811), tôn bản thân lên làm “vua”. Nhiều tổng thống khác tự nhận là “tổng thống mãi mãi” của đất nước.
Việc chiếm quyền điều hành Haiti và trục lợi đã dẫn tới 200 năm bất ổn và các cuộc nội chiến thường xuyên nổ ra. Theo nghiên cứu của tôi, “Haiti đã có 59 đời tổng thống: 3 người bị ám sát hoặc hành quyết; 1 người tự tử; 6 người chết trong phòng làm việc; 23 người bị lật đổ trong các cuộc đảo chính, trong đó có 2 người bị lật đổ 2 lần – 1 người là nhà độc tài quân sự và người còn lại là một linh mục bị truy tố. Mỹ đã buộc 5 người phải từ chức trong 100 năm qua. Chỉ có 10 người hoàn thành nhiệm kì, và 31 người chỉ nắm quyền trong ít hơn 2 năm.”
Rất nhiều vị tổng thống xuất thân từ quân đội hay có liên quan tới quân đội.
Tất cả những tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), và rất nhiều các cơ quan cứu trợ khác đều nhận ra rằng Haiti có lẽ là quốc gia có chính phủ tệ nhất. Hệ thống nhà nước đầy các lỗ hổng cho nạn tham nhũng, người giàu lợi dụng gom góp mọi tài sản ít ỏi để trục lợi cá nhân. Haiti đang được điều hành bởi một chính phủ bất lương.
Động đất xảy ra ở Haiti. Ảnh: Reuters
Ngoài các vấn đề chính trị, Haiti còn là quốc gia gặp nhiều thảm họa thiên nhiên nhất trên thế giới. Từ năm 1993 tới năm 2012, Haiti hứng chịu một trận động đất kinh hoàng, 2 đợt hạn hán, 31 trận lũ, và 26 cơn bão nhiệt đới. Địa hình nhiều sườn đồi dốc gây ra khó khăn lớn cho nước này. Những người nghèo sống trong cảnh không có điện đã chặt hạ nhiều cánh rừng, khiến đất đai trở nên cằn cỗi. Khi mưa xuống, các vụ lở đất lớn dọc sườn đồi quét sạch nhà cửa, gây thiệt hại lớn về người và của.
Vụ động đất kinh hoàng hồi năm 2010 đã phá hủy Haiti, làm 230.000 người thiệt mạng, và khiến hàng triệu người mất nhà cửa. Thậm chí trong trường hợp Haiti được điều hành tốt và có nền kinh tế ổn định, thì trận động đất cũng sẽ khiến cả đất nước rơi vào hỗn loạn.
Thiên tai từ đợt này qua đợt khác sẽ xóa bỏ các nỗ lực cải thiện kinh tế. Ví dụ, năm 2010, động đất không chỉ gây tổn hại 100% lên nền kinh tế mà còn làm chính phủ sụp đổ. Khoảng 60% các công trình của chính quyền bị tàn phá, 25% quan chức thiệt mạng.
Mỹ đã làm các khủng hoảng chính trị ở Haiti trở nên trầm trọng hơn. Thực tế, Mỹ thường thờ ơ với Haiti trừ khi lãnh đạo Haiti đưa ra quyết sách gây ảnh hưởng đến việc làm ăn của người Mỹ trên đảo hoặc đe dọa tới an ninh khu vực của Mỹ. Xuyên suốt lịch sử, Haiti thường trở thành “quả bóng chính trị” trong các chính sách đối ngoại giữa các quốc gia.
Trước Thế Chiến I, Mỹ nhiều lần cử tàu chiến tới Haiti để đe dọa lãnh đạo của quốc gia này. Năm 1915, Mỹ thực sự xâm chiếm Haiti để bảo vệ quyền lợi của người Mỹ và ở lại quốc gia này cho tới năm 1934.
Tổng thống Haiti “Papa Doc” François Duvalier. Ảnh: Historyanswers
Ba đời tổng thống gần đây của Haiti là những minh họa tiêu biểu. Tổng thống “Papa Doc” Duvalier (giai đoạn 1957-1971) và con trai “Baby Doc” (giai đoạn 1971-1986) trở thành những nhà độc tài của đất nước, lấy Adolf Hitler làm hình mẫu.
Cha con ông Duvalier giải thể gần hết quân đội vì sợ đảo chính. Thay vào đó, hai tổng thống này tự thiết lập đội cận vệ riêng có tên “Tonton Macoute”, một lực lượng gồm 10.000 người, đặt đất nước trong tình trạng bị giám sát với gián điệp, tình báo và nhà tù.
Nước Mỹ khi ấy thậm chị còn ủng hộ nhà Duvalier bởi Mỹ nghĩ rằng Haiti có thể đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của ông Fidel Castro tại vùng Caribean. Trong quá trình ấy, nhà Duvalier đã vơ vét gần như mọi của cải ở Haiti.
Một trường hợp khác là Jean-Bertrand Aristide, một linh mục hoàn tục thắng cử tổng thống vào năm 1991 sau khi lên tiếng chống lại chế độ độc tài. Sau đó, vị tổng thống này bị quân đội lật đổ và buộc phải rời khỏi đất nước. Năm 1994, thông qua Hải quân Mỹ, Tổng thống Bill Clinton buộc ông Aristide quay trở lại nắm quyền ở Haiti.
Học hỏi từ nhà Duverlier, ông Aristide thành lập đội quân riêng có tên “Chimera” nhằm mục đích đe dọa các phe cánh đối lập. Năm 2004, ông Aristide bị lật đổ và bị đày tới Cộng hòa Trung Phi. Mỹ đã hộ tống ông rời khỏi quốc gia này. Cựu tổng thống Aristide bị buộc tội kích động các đảng phái chính trị đấu đá lẫn nhau trong khi đạt được ít thành tựu và tham nhũng khối lượng lớn tài sản.
Từ những năm 1950, Mỹ đã can thiệp vào bầu cử Haiti, ủng hộ trực tiếp các ứng cử viên, gây ảnh hưởng đảng phái, hỗ trợ nhóm này hơn nhóm khác. Ví dụ, Mỹ cũng phần nào chịu trách nhiệm cho việc đưa Papa Doc lên nắm quyền và hạ bệ Baby Doc.
Năm 2010, Mỹ cố gắng giúp Haiti đối phó và phục hồi từ trận động đất. Chuyện này diễn ra không mấy suôn sẻ: chính quyền yếu kém không thể gửi cứu trợ tới cho những người đang thực sự cần, những người giàu tham nhũng viện trợ, và hoạt động cứu trợ đem lại lợi ích cho một nhóm người Mỹ chứ không phải người Haiti.
Cộng đồng quốc tế, dẫn đầu bởi Mỹ, đã đầu tư cho Haiti với khoản tiền lên tới 20 tỉ USD trong vòng 6 thập kỉ. Số tiền này được dùng để đảm bảo an ninh lượng thực, dân chủ hóa, xây trường học, phát triển kinh tế và cải thiện chính quyền. Khoản tiền lớn cho một quốc gia nhỏ như Haiti đáng nhẽ đã đem lại sự khác biệt. Nhưng theo quan điểm của tôi, nó chỉ khiến tình hình trở nên xấu hơn.
Cứu trợ quốc tế tại Haiti. Ảnh: Reuters
Cứu trợ quốc tế không thể nào giải quyết được vấn đề thực sự ở Haiti: tầng lớp thống trị điều hành hệ thống kinh tế, chính trị để mưu lợi cá nhân. Sự hiện diện của tầng lớp thống trị chứng tỏ người Haiti chẳng mấy để tâm tới người nắm quyền: họ chỉ quan tâm khi tình hình thiếu thốn tới mức đẩy xã hội tới cảnh bạo lực hoặc biểu tình.
Những nhà lãnh đạo chính trị “được bầu” ở Haiti làm theo một quy trình có sẵn: lên nắm quyền, tìm cách vơ vét của cải trong nước để làm giàu. Hệ thống chính quyền như vậy chỉ có thể tạo ra tham nhũng và những quan chức yếu kém.
Vậy nên, hầu hết số viện trợ không tới đúng nơi cần tới hoặc được sử dụng quá thiếu hiệu quả nên chẳng đem lại lợi ích gì rõ rệt cho Haiti.
Khoản tiền đầu tư vào dân chủ hóa càng làm sâu sắc hơn sự chia rẽ. Ví dụ, khoản đầu tư đáng nhẽ được dùng để tạo dựng các đảng chính trị cạnh tranh lại tạo ra hàng tá những đảng nhỏ lẻ với các cá nhân có tham vọng gây ảnh hưởng lên bầu cử. Hỗ trợ lương thực, chăm sóc y tế và trường học xoa dịu người dân, khiến họ phụ thuộc hơn vào các tổ chức quốc tế trong khi chính quyền bất lực trong việc cung cấp những nhu cầu cơ bản cho dân chúng.
Nhiều cơ quan truyền thông đã bình luận rằng dường như viện trợ quốc tế đổ vào Haiti cũng là một khoản tham nhũng. Đa phần số tiền không được chuyển tới chính phủ Haiti – với mục đích phát triển năng lực lãnh đạo – mà tới các tổ chức bên ngoài, ví dụ như tổ chức phi chính phủ (NGO).
Một vài quyển sách viết về vấn đề này có thể kể đến: Killing with Kindness: Haiti and International Aid; The Great Haiti Humanitarian Aid Swindle; How the World Came to Save Haiti and Left a Disaster Behind (tạm dịch: Lòng tốt Chết người: Haiti và Viện trợ Quốc tế; Vụ lừa đảo Viện trợ Nhân đạo Haiti; Thế giới đã tới cứu giúp Haiti và để lại thảm họa như thế nào).
Tháng 11, chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ kết thúc visa theo diện Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) cho khoảng 60.000 người Haiti tới tị nạn sau trận động đất năm 2010. Họ sẽ phải trở lại Haiti vào tháng 7/2019.
Không may thay, sau 8 năm, trở lại Haiti có vẻ như là một hình phạt không mấy dễ chịu. Những người trở về sẽ thấy Haiti vẫn nghèo như lúc họ đi, và chính những người về sẽ khiến Haiti nghèo hơn nữa. Những người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Liên Hợp Quốc ở Haiti đã gây ra dịch tả, khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng và bệnh này vẫn đang lây lan tại Haiti.
Trong quá khứ, chính sách ngoại giao của Mỹ đã khiến tình hình Haiti trở nên tệ hại. Dưới thời chính quyền Duvalier (khoảng những năm 1970-1980), những nhà độc tài đã xua đuổi các giáo viên, nhà vật lí học, những nhà khởi nghiệp, nhà kinh doanh, tạo nên tình trạng “chảy máu chất xám” lớn nhất thế giới. Năm 1960, có 5.000 người Haiti ở Mỹ; năm 1990, con số này đã lên tới 225.000 người. Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh từ chối những người Haiti vượt biên qua đường biển để thoát khỏi khủng hoảng chính trị và kinh tế dưới thời ông Aristide vào những năm 1990.
Mỹ cần phải cân nhắc lại về chính sách của mình đối với Haiti. Một lần và mãi mãi! Cần cải thiện Haiti để những người dân muốn sinh sống tại đây.
Thay vì ép dân Haiti phải rời khỏi Mỹ, chính quyền Washington nên xin lỗi vì đã làm rối loạn đất nước Haiti, đầu tư cho những người Haiti tị nạn để họ có thể trở về và giúp đỡ quê hương của mình.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
* For English version, click here
* Xem bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây