Cụ thể, mới đây ngày 12/1/2018 HDBank đã được NHNN chấp thuận thành lập thêm 5 chi nhánh tại các tỉnh Đắk Nông, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Các chi nhánh này hầu hết sẽ được đặt tại các vị trí trung tâm của tỉnh như thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, HDBank cũng sẽ thành lập thêm 39 phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố trải dài khắp cả nước.
Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu cuối tháng 12, HDBank cho biết, ngân hàng có 238 Chi nhánh và Phòng giao dịch. Như vậy, việc thành lập thêm 5 chi nhánh và 39 phòng giao dịch mới, mạng lưới giao dịch của HDBank đã được mở rộng lên đến 282 chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai là các tỉnh có nhiều chi nhánh/PGD nhất.
Thời gian vừa qua, HDBank là một trong những cái tên được chú ý nhất trong ngành ngân hàng khi có kế hoạch lên sàn rất thành công. 981 triệu cổ phiếu HDB đã được lên sàn vào ngày 5/1, với mức giá 33.000 đồng/ cổ phiếu, HDBank có vốn hóa hơn 1,4 tỷ USD, lọt vào top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. Được biết, kết quả kinh doanh của ngân hàng năm 2017 cũng rất tốt khi đạt 2.420 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao gấp đôi so với năm 2016. HDBank cho biết đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37% mỗi năm từ nay đến năm 2021.
Không chỉ HDBank, thời gian gần đây còn có hàng loạt các ngân hàng như MBBank và Bản Việt, SCB, Bắc Á Bank,… quyết định mở thêm các điểm giao dịch mới.
Đầu năm 2018, MBBank được cấp phép thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch trên tỉnh thành trong cả nước, mở rộng mạng lưới giao dịch của nhà băng này lên đến 96 chi nhánh và 188 phòng giao dịch. Trong đó, 5 chi nhánh bao gồm 2 chi nhánh ở Hà Nội, 1 chi nhánh ở TP.HCM, 1 chi nhánh ở Vĩnh Long và chi nhánh cuối cùng ở Trà Vinh. MBBank cũng là một trong những ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh năm 2017 sớm nhất, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ đạt 5.355 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016.
Một ngân hàng khác nữa ngay trong đầu năm đã được NHNN chấp thuận mở rộng mạng lưới giao dịch là Ngân hàng Bản Việt. Theo đó, ngân hàng sẽ mở thêm 1 chi nhánh tại Nghệ An và 7 phòng giao dịch phía Nam nâng số lượng điểm giao dịch từ 46 lên 54 điểm trên toàn quốc.
Trước đó, SCB mở thêm chi nhánh tại Thanh Hóa, Bắc Á Bank thêm 1 điểm giao dịch ở Bình Dương,….
Năm 2017 là một năm nhiều thành công đối với các ngân hàng thương mại khi lợi nhuận cả hệ thống tăng 44,5% so với năm ngoái, nợ xấu được giải quyết nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42. Nhiều ngân hàng vượt kết hoạch năm sớm, báo lãi hàng nghìn tỷ như MBBank, BIDV, HDBank, TPBank,…., có ngân hàng còn lãi tới hơn 11.000 tỷ là Vietcombank.
Không chỉ các ngân hàng vốn có hoạt động kinh doanh nổi trội hơn như trên mà các ngân hàng vốn vướng phải vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc mấy năm nay như DongA, Sacombank,….cũng lần lượt cho biết đã giải quyết được nhiều tồn đọng trong quá khứ, kết quả kinh doanh cũng khả quan hơn rất nhiều. Như Sacombank, năm 2017 đã giải quyết được lượng nợ xấu khổng lồ là 19.000 tỷ đồng.
Có được đà tăng trưởng tốt như vậy, dự kiến năm 2018 cũng sẽ có không ít ngân hàng mạnh dạn mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch mới để phát triển thêm lượng khách hàng đặc biệt là tại các tỉnh thành phố khác ngoài TP.HCM, TP. Hà Nội.