Trước nay chúng ta vẫn cho rằng, nam giới mới đích thực là phái mạnh, còn nữ nhi là phái yếu. Nhưng nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học ĐH Southern Denmark (Đan Mạch) có lẽ sẽ khiến bạn choáng váng thật sự.
Theo đó, nữ giới mới đích thực là phái mạnh khi họ có sức sống mãnh liệt hơn, thừa sức vượt qua những điều kiện khắc nghiệt như nạn đói, dịch bệnh hay khả năng chịu đựng của những nô lệ thời xa xưa…
Để đưa ra kết luận này, giới nghiên cứu đã tìm hiểu nhiều tư liệu về tỉ lệ sống sót ở nam và nữ giới mặc dù điều kiện sống khi đó vô cùng khó khăn.
Cụ thể, trong nạn đói ở Ireland năm 1845 – 1849, tuổi trọ trung bình ở 2 giới đều dưới 38, nữ giới là 22,4 trong khi nam giới chỉ dừng lại ở mức 18,17 mà thôi.
Hay ngay cả trong nạn đói ở Thụy Điển năm 1772 – 1773, nạn sởi ở Iceland năm 1846 và 1882 – tuổi thọ ở nữ giới cũng nhỉnh hơn so với nam giới.
Bỏ qua những yếu tố như hút thuốc lá, rượu bia, lái xe không an toàn hay bạo lực… thì các chuyên gia cho rằng, việc nữ giới sống thọ, sống khỏe hơn nam giới là do hormone chi phối.
Cụ thể, hormone estrogen có tác dụng làm giảm cholesterol trong huyết tương, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch ở người phụ nữ và tăng cường hệ miễn dịch.
Chuyên gia dịch tễ học Sandro Galea, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng nói với Moneyish: “Lợi thế về giới đã giúp cho nữ giới sống thọ hơn, cũng như sở hữu hệ miễn dịch, khả năng chống viêm nhiễm cao hơn nam giới”.
Bên cạnh đó cũng không ngoại trừ khả năng nam giới thường liều lĩnh hơn, ăn uống cũng ít khoa học hơn, không mấy quan tâm đến sức khỏe của mình – đây cũng là 1 trong những yếu tố khiến cho tuổi thọ của nam giới sụt giảm.
Nghiên cứu này phần nào giúp các nhà khoa học có thêm 1 góc nhìn mới về sự khác biệt giữa tuổi thọ, sức khỏe, sức chịu đựng của nam, nữ giới.
Nguồn: Moneyish, Telegraph