Thái Lan là một trong những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với bức tranh của một nền kinh tế mới nổi đang chật vật duy trì đà tăng trưởng.
Để có bức tranh đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra trên thị trường lao động cũng như các ngành khác không được báo cáo đầy đủ ví dụ như thị trường bất động sản, NHTW nước này đang ngày càng sử dụng nhiều hơn nguồn dữ liệu lớn được khai thác từ các phương tiện truyền thông xã hội và các cửa hàng trực tuyến để bổ sung cho các số liệu chính thức.
NHTW Thái Lan đang xây dựng chỉ số việc làm của chính mình dựa trên dữ liệu từ các cổng tìm kiếm việc làm trực tuyến và cũng đang xây dựng một bộ chỉ tiêu bất động sản để đưa ra nhận định tốt hơn về cung và cầu trên thị trường nhà ở.
“Chúng tôi muốn thực hiện một chính sách dựa trên cơ sở thực tiễn nên nguồn dữ liệu “Big Data” là hữu ích”. Jaturong Jantarangs, Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Thái Lan nói trong buổi phỏng vấn tại Bangkok. “Đó không chỉ mang lại lợi ích đối với chính sách tiền tệ và còn cho cả chính sách tài khóa”.
“Nó cho phép chúng tôi bắt kịp những xu hướng và đôi khi thấy những dấu hiệu cảnh báo sớm”, Jaturong nói hôm 29 tháng 11. “Chúng tôi sử dụng dữ liệu từ “Big data” ngày một nhiều hơn”.
Ảnh hưởng của Thống đốc
Trong một thế giới mà sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang phá vỡ các công viêc truyền thống và các ngành công nghiệp, thông tin là một hướng đi để dẫn đầu trong cuộc chạy đua về chính sách. Điều đó ngày càng trở nên quan trọng trong một thế giới đầy biến động và phức tạp, Jantarangs cho biết.
“Những chỉ số hiện tại mà chúng ta quen thuộc có thể không đủ để trả lời các câu hỏi, không kịp thời và đôi khi dẫn đến những câu trả lời sai”, ông nói.
Tại Thái Lan, sự thúc đẩy sử dụng nguồn dữ liệu đã được các lãnh đạo cấp cao xem trọng. Thống đốc Veerathai Santiprabhob, một trong những người trẻ tuổi nhất nhậm chức Thống đốc năm 2015 ở tuổi 45, đã đưa việc sử dụng dữ liệu trở thành một phần trong chiến dịch ba năm tới của ngân hàng và ông đã thành lập một nhóm chuyên gia về phân tích dữ liệu. Ông tổ chức họp hai tháng một lần để thảo luận về các dự án thí điểm dữ liệu mới.
“Thống đốc của chúng tôi nhìn thấy tầm quan trọng của Big data và rất tích cực trong lĩnh vực này” Jaturong nói.
Thông tin là chìa khóa cho một Ngân hàng Trung ương đang cố gắng thiết lập chính sách tiền tệ cho một nền kinh tế đa thành phần. Xuất khẩu của Thái Lan đã tăng mạnh trong năm 2017 bối cảnh tăng trưởng của thương mại toàn cầu, trong khi khu vực hàng tiêu dùng và đầu tư tư nhân bị suy giảm.
Số liệu thất nghiệp chỉ làm phức tạp thêm bức tranh toàn cảnh. Mặc dù tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa, tốc độ tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan dao động từ 1,2% đến 1,3% trong năm nay. So với ở Indonesia là 5,5% và 5,6% ở Philippin.
“Dữ liệu chính thức không thể hiện được toàn cảnh bức tranh của nền kinh tế” Somprawin Manpraset, người đứng đầu trụ sở nghiên cứu tại Bangkok của Ngân hàng Ayudhya Pcl cho biết. “Chúng tôi có một khu vực không chính thức lớn. Nhiều người tự làm chủ. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thấp”.
“Big data có thể cho thấy tất cả các khía cạnh, vì vậy nó giúp chúng tôi giải quyết vấn đề rằng chúng tôi đang ở đâu”, ông nói.
Với mục tiêu đó, NHTW Thái Lan đã phân tích dữ liệu từ Cục tín dụng Quốc gia về tỷ lệ nợ hộ gia đình cao, mối quan ngại chính được các nhà hoạch định chính sách đề cập đến khi cố gắng giảm lãi suất. Phân tích cho thấy những người trẻ dưới 25 tuổi và người về hưu có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với những nhóm tuổi khác.
Một phân tích mới đây tập trung vào khu vực thương mại. Một nghiên cứu về 500 triệu giao dịch xuất nhập khẩu trong 15 năm qua cho thấy xuất khẩu bị chi phối bởi một nhóm ít công ty và một vài thị trường.
Dữ liệu mở
Chính quyền quân sự Thái Lan đang cố gắng khai thác Big data để cải thiện các quyết định chính sách, Bộ trưởng Bộ Xã hội và Kinh tế số Pichet Durongkaveroj phát biểu trong một buổi phỏng vấn tháng trước. Pichet nói ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu số hóa, tích hợp và phân tích thông tin trên 200 cơ quan chính phủ.
Santitarn Sathirathai, người đứng đầu khoa kinh tế các nước đang phát triển Châu Á của Công ty tài chính Credit Suisse Group AG tại Singapore, nói rằng việc phân tích số liệu từ Big data có thể được sử dụng để phản ứng tốt hơn với các chính sách trọng yếu cũng như cho phép đánh giá kịp thời các chương trình trước đây. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nhà chức trách đưa các dữ liệu của họ dễ dàng tiếp cận hơn với công chúng.
“Chính phủ không nên chỉ xem việc phân tích dữ liệu từ Big data đơn thuần là sử dụng nguồn dữ liệu phong phú hơn mà còn nên xây dựng một môi trường dữ liệu mở hơn” ông nói. Đó là để đảm bảo “người dân có thể tiếp cận tốt hơn với nhiều bộ dữ liệu không nhạy cảm của chính phủ và giúp tiến hành các phân tích có thể bổ sung cho các nhà hoạch chính sách”.