Đó là phát biểu của GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (11/01).
Ông Kenichi Ohno nhận định tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng (nguồn vốn và lao động) chứ không dựa trên chất lượng, tức năng suất lao động. Chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á. Mặc dù từ năm 1955, Việt Nam nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản nhưng kết quả thu được vẫn rất hạn chế.
Tăng trưởng GDP cũng chậm lại do năng suất lao động giảm đi. Từ năm 2008, năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng đi xuống. Tình hình nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam được đánh giá là rất “ảm đạm”. Năng suất lao động đang phản ánh mức độ thâm dụng vốn, trong khi năng suất các yếu tố tổng hợp (của cả vốn và lao động) rất thấp.
“Dưới con mắt của nhà nghiên cứu như tôi thì năng suất của Việt Nam là quá thấp. Việt Nam mới chú trọng vào GDP mà chưa chú trọng năng suất”, vị giáo sư nhận xét.
Ông Kenichi ví Việt Nam như “một người đến sau” so với các nước phát triển trên thế giới. “Một người đến sau” có thể tăng thu nhập trung bình bằng cách tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập, nhưng chỉ riêng thị trường thì không thể đem lại thu nhập cao. Vì vậy, một chính phủ khôn ngoan cần phải xây dựng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và các ngành một cách hiệu quả.
“Tôi nói thẳng là thị trường tự do hiện nay chưa hiệu quả”, ông Kenichi cho hay. “Chính phủ Việt Nam còn non kém về tư duy và năng lực”, theo ông thì chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện.
Ông cũng nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế phải do con người và doanh nghiệp chèo lái”. Chính phủ cần có tầm nhìn, mục tiêu, chia sẻ thông tin và cải thiện môi trường kinh doanh để đưa nền kinh tế Việt Nam từ lắp ráp đơn giản đến tạo ra giá trị cao hơn.
Chính vì vậy, ông Ohno đề xuất Việt Nam cần đặt ra mục tiêu và tâm nhìn mới cùng các nhiệm vụ cụ thể để giải quyết vấn đề năng suất lao động. Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, đồng thời phát triển năng lực cho các doanh nghiệp nội địa, từ đó tạo ra sự liên kết giữa hai khu vực trên. Ông Kenichi cũng lưu ý rằng mặc dù thu hút FDI nhưng phải mang tính chọn lọc cao.
Theo đó, một số sáng kiến năng suất mới cần được xem xét như triển khai Báo cáo năng suất, chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất cho xã hội, thiếp lập mục tiêu năng suất, sửa đổi chính sách công nghiệp hỗ trợ và áp dụng các công cụ tăng năng suất. Đặc biệt, ông Ohno đề xuất người Việt học tiếng Nhật và cải thiện kĩ năng sản xuất. Ông muốn công nhân, sinh viên Việt Nam học tập xong phải lao vào ngành công nghiệp, chứ không phải quay lại cày bừa.
Một số giải pháp cụ thể được đưa ra trong năm 2018 như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần triển khai Báo cáo năng suất. Theo ông Ohno, Việt Nam cần thu thập số liệu trong nước và học hỏi kinh nghiệp quốc tế, từ đó cho ra các giải pháp chính sách cụ thể.
Thứ hai là nâng cao nhận thức về năng suất của toàn xã hội, ông Ohno gọi đây là “chiến dịch tư duy”. Theo vị giáo sư, chiến dịch này cần khuyến khích người dân nói chung và sinh viên nói riêng làm việc chăm chỉ. Thậm chí, Nhà nước phải có các logo, các khẩu hiệu như “working bee” (làm việc như chú ong chăm chỉ). Chiến dịch này cần thay đổi được tâm thế làm việc của mọi người.
“Ở Nhật Bản, chiến lược nâng cao nhân thức quốc gia đã làm trong 3 – 5 năm để tất cả các ý tưởng không chỉ lan tỏa đến người làm chính sách mà còn cả người lái taxi”.
Cuối cùng, Chính phủ nên chọn các tỉnh có tiềm năng công nghiệp cao để hỗ trợ. Cụ thể, các tỉnh sẽ được lấy làm mô hình, tập trung nguồn vốn FDI và ODA vào các địa phương một cách hiệu quả.
Theo ông Kenichi, Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa. “Nhật Bản sẵn sàng hợp tác ở những lĩnh vực mà chúng tôi có thể hỗ trợ”, ông cho biết.