Khoảng 6, 7 năm trước đây, khi nhắc đến ngân hàng bán lẻ (Retail Banking), người ta thường cho rằng đó chỉ là mảnh đất phù hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh. Các ngân hàng lớn có nguồn gốc quốc doanh – với năng lực tài chính vượt trội và vị thế lớn trong ngành – sẽ tập trung vào lực lượng khách hàng là các doanh nghiệp lớn.
Thế nhưng, trước sự tăng lên của tầng lớp trung lưu trong xã hội cùng sự phát triển của thị trường tài chính, mô hình ngân hàng bán lẻ đã trở thành chiến lược phát triển của tất cả các ngân hàng. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam hiện nay, lượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chiếm áp đảo trong cơ cấu khách hàng tính đến cuối năm 2017.
BIDV dẫn đầu hệ thống về quy mô khách hàng doanh nghiệp SME
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng, BIDV đã cơ cấu lại nền khách hàng với điểm nhấn tăng trưởng khách hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, giảm dần tỷ trọng của khách hàng doanh nghiệp lớn.
Trong đó, nền khách hàng cá nhân đạt hơn 10 triệu khách hàng, tương ứng trên 10% dân số, tăng 14% so với năm 2016. Nền khách hàng vừa và nhỏ (SME) tăng trưởng 14%, đạt khoảng 236.000 khách hàng, chiếm 98% tổng số khách hàng doanh nghiệp BIDV. Những con số này đưa BIDV trở thành đơn vị dẫn đầu hệ thống các Ngân hàng thương mại về quy mô hoạt động phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với phân khúc khách hàng FDI, năm 2017, BIDV đã ký kết hợp tác phát triển với với các tổ chức, ngân hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… nâng tổng số lượng khách hàng FDI đạt gần 3.000 khách hàng, gia tăng 20% so với năm 2016…
Những bước phát triển vượt bậc về quy mô, hiệu quả trong hoạt động bán lẻ của BIDV được thể hiện rõ nét qua các con số. Kết thúc năm 2017, huy động vốn dân cư đạt 523.643 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3%, chiếm 56% tổng Huy động vốn. Tín dụng bán lẻ đạt 238.526 tỷ đồng, tăng trưởng 33%, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng. Thu nhập ròng bán lẻ tăng trưởng 35% so với năm 2016.
Tín dụng của BIDV dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 tăng trưởng 31% so với 2016, đạt 220.561 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng dư nợ tín dụng của BIDV.
Đột phá về dịch vụ ngân hàng điện tử
Thêm một ấn tượng của BIDV trong năm qua là dịch vụ Ngân hàng điện tử có sự đột phá về số lượng giao dịch với 41 triệu giao dịch đã được thực hiện, gấp đôi số lượng giao dịch năm 2016. Tổng cộng lượt khách hàng đăng ký mới dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2017 đạt trên 2,1 triệu lượt, tăng 37% so với năm 2016, trong đó tăng trưởng dịch vụ BSMS đạt cao nhất từ trước đến nay (khoảng 1 triệu khách hàng tăng mới).
Số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua kênh ngân hàng điện tử chiếm 45% tổng giao dịch chuyển tiền đi toàn hệ thống BIDV (trong đó số lượng giao dịch chuyển tiền đi của BIDV qua Napas đạt 3,3 triệu, tăng 3,5 lần so với năm 2016). BIDV xếp thứ 1 về số lượng và giá trị giao dịch, chiếm 22,25% tổng số lượng giao dịch toàn thị trường qua kênh Napas.
Cùng với đó, thu nhập thuần từ hoạt động thẻ tăng trưởng 37% so với 2016. Doanh số thanh toán thẻ tín dụng tăng trưởng trên 47% và tổng doanh số sử dụng thẻ tăng trưởng khoảng 25%. Mức tăng ròng thẻ nợ nội địa cao gấp 1,37 lần so với 2016.
Những con số trên đã cho thấy, không phải vô lý khi hoạt động bán lẻ của BIDV được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế ghi nhận. Ngân hàng đã lần thứ ba liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” và lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng có sản phẩm cho vay nhà ở tốt nhất Việt Nam” (Tạp chí The Asian Banker). BIDV cũng đã lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu nhất” và “Ngân hàng có Sản phẩm dịch vụ Sáng tạo độc đáo năm 2017 với sản phẩm BIDV SmartBanking” (VNBA & IDG).