Nhắc đến ngành bánh kẹo nội địa, chắc chắn không thể không nhắc đến thương hiệu khổng lồ mang tên Kinh Đô. Thập niên 1990, từ một xưởng sản xuất nhỏ, hai anh em gốc Hoa Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên từng bước gây dựng nên một đế chế bánh kẹo quy mô nhất cả nước.
Năm 2014, Kinh Đô quyết định bán 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International và chuyển dịch sang hướng mới là sản xuất dầu ăn, mì gói, bột nêm. Cũng từ đây, Kinh Đô đổi tên thành tập đoàn KIDO.
Từ sau bán đi mảng kinh doanh vốn tạo nên tên tuổi 20 năm cho Kinh Đô, ông Thành xuất hiện nhiều hơn trong vị trí là người hướng dẫn, truyền cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ.
Chủ tịch tập đoàn KIDO Trần Kim Thành và Tổng giám đốc Bita’s Đỗ Long trong chương trình giảng dạy quản trị cho các CEO. Nguồn: Group Quản trị khởi nghiệp.
Những bài học mà ông Thành đưa ra được chắt lọc trong quá trình điều hành công ty Kinh Đô từ một doanh nghiệp gia đình nhỏ, vốn ít đến tập đoàn KIDO hiện nay. Bên cạnh đó xuất thân là một doanh nghiệp gia đình, KIDO thành công trong việc dung hòa phương thức quản lý kiểu gia đình lẫn mô hình hiện đại, kiến thức, công cụ quản lý thuộc hàng đầu khu vực.
Theo ông Thành, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng trải qua 4 giai đoạn và mỗi giai đoạn người lãnh đạo đều gặp những thách thức quản trị riêng.
Trong đó khởi nghiệp tập trung vào sản phẩm, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu thị trường được chủ tịch KIDO cho là giai đoạn đầu của doanh nghiệp. Ở giai đoạn này người sáng lập thường hợp tác với bạn bè hoặc người nhà. Điều cốt yếu đối với công ty trong giai đoạn này là làm sao để bán được hàng, tạo ra doanh thu.
Sau khi việc kinh doanh, tạo ra doanh thu, lợi nhuận, hoạt động kinh doanh bắt đầu đi vào quỹ đạo cũng là lúc doanh nghiệp đối mặt với bài toán đau đầu về quản trị khi chọn ai là người dẫn dắt định hướng, phân công người vào đúng việc. Ông Thành cũng cho biết giai đoạn này nếu phân công công việc không tốt, mâu thuẫn không được giải quyết sẽ kéo theo sự tan rã của bộ máy.
“Cũng như với một đứa con nít, lớn lên, tới tuổi dậy thì, nổi mụn là chuyện bình thường. Nếu chăm sóc tốt, nó hoàn toàn không phải vấn đề bệnh lý mà là vấn đề tâm lý. Nhưng nếu mình không biết cách chăm sóc khéo thì có thể để lại một vết sẹo”, ông Thành ví von.
Đặc biệt với doanh nghiệp gia đình, khi việc phân quyền không rõ ràng, nhân viên sẽ không biết nghe ai. Bên cạnh đó những mâu thuẫn trong công việc không được giải quyết sẽ kéo theo mâu thuẫn gia đình, anh em họ hàng, tình cảm sứt mẻ. Các thành viên gia đình khi cùng hợp tác cũng phải tách bạch chuyện kinh doanh với chuyện gia đình.
4 giai đoạn của 1 doanh nghiệp
Giai đoạn 2 là khi công ty tăng trưởng, quy mô nhân sự lớn hơn, quy trình nhiều hơn. Theo ông Thành, giai đoạn này cần chú ý tới quy trình đảm bảo cách làm thống nhất. Bởi nếu không thống nhất quy trình có thể dẫn tới những sai số lớn trong quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 là khi công ty trưởng thành, bộ máy quản trị có nhiều phòng ban. Theo ông Thành bài toán quản trị đau đầu giai đoạn này là tổ chức cán bộ khung và quy trình xuyên phòng ban. Quy trình này sẽ đảm bảo cho các phòng ban cùng chuyển động đồng tốc, từ đó công ty mới đạt được tốc độ mong muốn.
Giai đoạn 4 là khi công ty đi vào giai đoạn già hóa, đi xuống. Khủng hoảng quản trị giai đoạn này là xơ cứng bộ máy.
4 chu kỳ của doanh nghiệp được ông Thành ví cũng như cuộc đời của con người, có sinh-lão-bệnh-tử. Tuy nhiên doanh nghiệp có điểm khác là nếu có cách thì có thể kéo dài tuổi thọ. Theo ông, doanh nghiệp không phải lợi nhuận cao nhất là tốt nhất, mà sống thọ mới là tốt nhất.