Làm sao để ‘hạt gạo làng ta’ vươn tầm xa hơn ra thế giới?

Trước tiên, phải ghi nhận rằng Nghị định 109/2010/NĐ-CP được ban hành với những mục tiêu cốt lõi: Thứ nhất: Góp phần tiêu thụ thóc gạo, hàng hóa và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Thứ hai: Bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc gạo trong nước.

Tuy nhiên, đến nay Nghị Định trên còn nhiều khoản trống, chưa thực sự phù hợp với thực tế và còn nhiều ý kiến tranh luận với nhiều quan điểm, lý do khác nhau.

Không chỉ là câu hỏi đặt ra cho các nhà Xây dựng chính sách, câu chuyện được Doanh nghiệp chia sẻ dưới đây và phần ý kiến chuyên gia hy vọng sẽ gợi mở những ý tưởng mới cho chủ đề này:

Nhà nước không thu được Thuế, Doanh nghiệp thì có nguy cơ lộ bí mật kinh doanh…

Lấy dẫn chứng ngay từ câu chuyện của doanh nghiệp, tham gia lĩnh vực sản xuất lúa gạo từ năm 1986, Cỏ May bắt đầu tìm kiếm cơ hội xuất khẩu gạo sang thị trường Singapore với mong muốn nâng cao giá trị hạt gạo và xây dựng thương hiệu gạo của mình. Công ty đã đàm phán thành công với các đối tác tại Singapore để xuất khẩu gạo vào thị trường này. Song do không đủ quy mô, năng lực đáp ứng các điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu gạo quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP, mà Công ty đành để mất hợp đồng.

Cụ thể, theo Nghị định 109, để được cấp phép xuất khẩu gạo công ty phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và một cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Với quy mô nhỏ và vừa như Cỏ May, điều kiện này trở nên quá sức đối với Công ty.

Vì vậy, theo ông Phạm Minh Thiện, Giám Đốc Điều hành Công ty TNHH Cỏ May, để được xuất khẩu, doanh nghiệp ông bắt buộc phải xuất ủy thác cho một công ty lớn hơn tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp này phải “đi vòng”, lập một công ty ở Singapore để chuyển sản phẩm vào các kênh bán lẻ tại nước này và đây cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất của Cỏ May.

Thực tế, số lượng bán cho các siêu thị và bán lẻ ở Singapore chỉ được vài trăm tấn, nhưng giá cao gấp 2-3 lần giá xuất bình thường. Nhưng cái được ở đây là sản phẩm thương hiệu Cỏ May đến trực tiếp tay người tiêu dùng và họ đánh giá cao về gạo Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, Ông Thiện nhấn mạnh rằng: “Dù xuất khẩu được gạo sang thị trường Singapore, song cái giá phải trả là chi phí đã bị ‘đội’ lên 2 USD mỗi tấn, công ty tại Singapore phải đóng thuế Thu nhập Doanh nghiệp cho nước sở tại với mức 17%, trong khi Nhà nước Việt Nam không thu được đồng thuế nào, bởi công ty xuất khẩu may mắn lắm mới hòa vốn. Chưa kể, nếu xuất ủy thác, chúng tôi phải cung cấp tên tuổi khách hàng, công ty, chủng loại hàng hóa, sản phẩm, đơn giá, phương thức thanh toán… Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lộ bí mật thông tin kinh doanh như lộ hợp đồng, mất khách hàng, mất thị trường…”.

Theo ghi nhận, sau khi ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP, số lượng doanh nghiệp được xuất khẩu gạo đã giảm từ 200 doanh nghiệp xuống còn 145 doanh nghiệp, thậm chí thực tế còn thấp hơn. Đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội “chen chân”, khi mà hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị chi phối bởi các doanh nghiệp lớn và đã tham gia thị trường từ lâu.

Để công bằng cho các Doanh nghiệp tham gia Xuất khẩu Gạo

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Giám đốc R&D – Viện Kinh tế và Phát triển TPHCM, Ông Nguyễn Hoàng Dũng phân tích 2 mặt của vấn đề xuất khẩu gạo. Nếu hành lang pháp lý quá dễ dàng, ví dụ doanh nghiệp lớn nhỏ đều có thể tự tìm thị trường gạo xuất khẩu trực tiếp thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn thị trường, mất cân bằng xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, khó kiểm soát chất lượng giá thành, cạnh tranh thủ đoạn với nhau…

Nếu vì lợi nhuận xuất khẩu giá cao hay vì thương hiệu riêng mà để mất cân bằng giá gạo trong nước, ảnh hưởng đến đời sống người dân thì cần phải cân nhắc lại. Mặt khác, nếu không cẩn thận có thể mất thị phần tại sân nhà (thực tế gạo Campuchia vẫn đang được ưa chuộng tại thị trường VN).

Nhưng nếu các điều kiện để được xuất khẩu gạo quá nghiêm mà không mang tính khả thi cao thì cũng cần cân nhắc lại, như trong Chương 2, Điều 4 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có đưa ra điều kiện là DN phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.

Giám đốc R&D - Viện Kinh tế và Phát triển TPHCM, Ông Nguyễn Hoàng Dũng

Giám đốc R&D – Viện Kinh tế và Phát triển TPHCM, Ông Nguyễn Hoàng Dũng

Từ góc nhìn trên, ông Dũng cũng đưa ra lời đề nghị về việc tổ chức lấy ý kiến dân chủ lại một lần nữa, có thể các con số về điều kiện xuất khẩu sẽ giảm xuống mức hợp lý hơn và theo ông cần nhấn mạnh rằng mọi công tác cần phải rõ ràng minh bạch, đặc biệt là xuất khẩu gạo tập trung, tránh việc lợi ích nhóm, chuyên quyền và mất lòng tin.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Chuyên gia về Marketing và Xây dựng thương hiệu cho rằng “Nông sản Việt có giá trị xuất khẩu rất lớn, tiềm năng lớn trên thị trường thế giới, nhưng mấu chốt là cần tăng cường các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu để tăng trọn vẹn lợi thế cạnh tranh, giá bán, lợi nhuận, hiệu quả của hệ thống.

Khi lấy ý kiến để tháo gỡ nút thắt từ Nghị Định 109/2010/NĐ-CP, tránh xung đột lợi ích giữa các nhóm đối tượng, lưu ý khả năng xảy ra hỗn loạn thị trường trong ngắn hạn để có giải pháp điều chỉnh, đặc biệt, không để hiện tượng nông sản Việt xuất với giá thấp, qua khâu trung gian, chế biến, hoặc chỉ là những sự thay đổi đầu tư cho bao bì nông sản, chính nó lại “ngược dòng” quay lại Việt Nam với giá cao gấp vài lần.”

Bài toán ngành gạo có thể giải quyết triệt để khi cân bằng được quyền lợi, trách nhiệm từ 4 nhân tố chính gồm:

Người dân trồng lúa: Phải nhận được nhiều giá trị hơn, ví dụ như tham gia trực tiếp vào việc xuất khẩu bằng các ký kết trách nhiệm và quyền lợi.

Doanh nghiệp xuất khẩu: Cần ý thức và cố gắng nhiều hơn để bắt kịp nhu cầu hội nhập. Không nên chỉ vì lợi ích của mình mà quên đi các yếu tố khác. Để làm được điều đó thì DN cần mạnh dạn lên tiếng chia sẻ khó khăn, đóng góp ý kiến để các dự thảo pháp luật hoàn thiện và phù hợp hơn.

Nhà nước: đưa ra các hành lang pháp lý hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng các ký kết trong các hiệp định.

Quốc gia nhập khẩu: tinh thần hợp tác hữu nghị lâu dài, gạo đạt chuẩn chất lượng sẵn sàng thu mua với giá cả hợp lý.

Trong điều kiện Việt Nam, để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn, chỉ có cách duy nhất là tái cấu trúc toàn diện, từ hệ thống quản trị tới các phương thức quản trị. Việt Nam đã đến lúc cần chú trọng về chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng. Một khi chất lượng và thương hiệu lúa gạo Việt Nam được đầu tư nghiêm túc bài bản và theo đuổi một chiến lược lâu dài thì đời sống của hàng triệu nông dân được cải thiện và kéo theo sự phát triển sung túc các ngành nghề khác, những vấn đề khác sẽ dẽ dàng giải quyết hơn.

Nhiều doanh nghiệp cũng mong mỏi rằng Chính phủ sẽ cho phép mọi doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đều có quyền xuất khẩu trực tiếp. Giống như ngành hàng cá tra, dù chỉ phát triển hơn chục năm nay, nhưng đã đi tới 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vấn đề là sản phẩm của mình đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn đặt ra và thuyết phục được thị trường.

“Các doanh nghiệp trong ngành gạo cũng tương tự ngành cá tra, đều rất cần thiết để hoàn thiện thị trường” – Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết.

Theo ông, trong ngành cá tra, các doanh nghiệp lớn toàn làm phần ngon, còn phần xương xẩu, khó nhai như xử lý mỡ cá, dành cho những doanh nghiệp nhỏ. Nhờ những doanh nghiệp nhỏ xử lý, các bộ phận của con cá đều được tận dụng, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giảm gánh nặng môi trường. Chính nhờ hoàn thiện chuỗi cá tra và khai phá những giá trị mới. Khi những giá trị mới được khai phá và thị trường mở rộng, các doanh nghiệp lớn lại bắt đầu quan tâm đến những thứ mà trước đây họ bỏ qua.

Một trong những ý tưởng được nhiều Doanh nghiệp nêu lên để Xây dựng thương hiệu cho Nông sản nói chung và mặt hàng Gạo nói riêng mà Nhà nước nên khuyến khích là dựa vào ưu đãi Thuế, đưa ra các mức “Thuế” giảm dần cho doanh nghiệp theo “thước đo thương hiệu” mà doanh nghiệp bán ra thị trường, tức là doanh nghiệp nào đưa ra sản phẩm có thương hiệu gắn liền với sản phẩm chất lượng cao có mức thuế phải chịu thấp hơn các doanh nghiệp khác và từ đó thuế “giảm dần” theo chiều “tăng” của giá trị nông sản.

Xuất khẩu gạo có thể rơi vào khủng hoảng

Bài viết mới