Phiên tòa chiều 9/1: BIDV sai phạm ra sao trong việc cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ?

Chiều nay, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 45 bị cáo khác trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Bà Hứa Thị Phấn xin vắng mặt vì chỉ còn 7% sức khỏe, ông Trần Bắc Hà xin vắng mặt

Trước khi tiếp tục, tòa hỏi bị cáo Phạm Công Danh xem sức khỏe có ngồi nghe được cáo trạng không, ngồi ngoài thì có nghe rõ không. Bị cáo Danh nói sẽ cố gắng ngồi nghe và ở ngoài vẫn nghe rõ ràng.

Chủ tọa cũng thông báo là luật sư của bà Hứa Thị Phấn xin vắng mặt. Hiện tại, sức khỏe của bà Hứa Thị Phấn chỉ còn 7%, bị mất 93% sức khỏe – theo xác nhận sức khỏe của bà Phấn.

Ông Trần Bắc Hà là người được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng và là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng từ hôm qua (8/1) và sáng nay đều vắng mặt. Đầu giờ chiều nay, tòa nhận được đơn xin vắng mặt do bệnh của ông Hà. Chủ tọa cho biết ông Hà bị ung thư gan.

Một số luật sư xin rút tư cách luật sư (được chỉ định) của một số bị cáo do người nhà bị cáo đã thuê được luật sư riêng.

…………………….

Viện kiểm sát tiếp tục đọc cáo trạng.

Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng

Ngày 24/5/2013, BIDV hội sở chính do ông Đoàn Ánh Sáng là phó tổng giám đốc đại diện và VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh là Phó tổng giám đốc đại diện đã cùng kỳ thỏa thuận hợp tác, nội dung cơ bản là: BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng- thiết bị nội thất), trên cơ sở VNCB có khách hàng, đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này; BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB (tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo) theo quy định hiện hành của BIDV.

Khi thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB, do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào khoảng tháng 9/2013, Phạm Công Danh là chủ tịch VNCB đã đến hội sở BIDV ở Hà Nội để gặp ông Đoàn Ánh Sáng-Phó Tổng giám đốc, đặt vấn đề về việc Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, trường hợp khách hàng do VNCB không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Sauk hi được lãnh đạo BIDV hội sở chính đồng ý thì Danh về chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do Phạm Công Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV hội sở chính và các chi nhánh sẽ trực tiếp cho vay. Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản gồm: 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, đất tại 209 Trường Chinh, và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.

Phạm Công Danh giao cho Mai Hữu Khương lựa chọn các công ty vay vốn BIDV trong số các công ty do Danh thành lập từ tháng 6/2012 trở về trước bằng cách nhờ nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên giám đốc ký hồ sơ vay. Mai Hữu Khương đã chọn 12 công ty gồm: Phong Hiệp, Phước Đại, Quang Đại, Phú Nguyễn, Cường Tín, Tuấn Văn, Thanh Quang, An Phát, Nhất Nhất Vinh, Hương Việt, Thành Trí, Phúc Phạm, Quốc Thắng, Thịnh Quốc, dịch vụ Hương Việt, Thiên Trang Phạm.

Mặc dù biết rõ các công ty nêu trên không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì nhưng theo chỉ đạo của Phạm Công Danh thì các cá nhân Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng…đã tiến hành lập hồ sơ vay vốn cho 12 công ty.

Sau khi hồ sơ vay vốn được lập khống xong thì 12 giám đốc các công ty nêu trên được nhân viên phòng tài chính Tập đoàn Thiên Thanh là Nguyễn Thị Quỳnh Trang để ký các hồ sơ vay vốn của công ty do họ đứng tên giám đốc giúp Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh để đề nghị BIDV cho vay vốn với mục đích bổ sung vốn kinh doanh thu mua nguyên vật liệu xây dựng phục vụ các dự án theo mô hình 4 nhà với số tiền vay từng công ty từ 320 tỷ đến 460 tỷ, nguồn trả nợ là từ lợi nhuận, doanh thu của phương án kinh doanh và đề nghị được vay vốn tại 4 chi nhánh gồm: Bến Thành, Gia Định, Sở Giao dịch 2 và Nam Sài Gòn. Họ ký nhiều lần, có lần ký khống trên tờ A4 trắng, ký trên chứng từ chưa ghi nội dung và không biết Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng vào mục đích gì.

Theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã ký 12 văn bản gửi BIDV Hội sở chính về việc giới thiệu 12 khách hàng với nội dung: VNCB là ngân hàng có định hướng cung cấp các dịch vụ tín dụng và bảo lãnh cho các công ty sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu theo mô hình gói 4 nhà, góp phần giải phóng hàng tồn kho theo nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khan cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản…Tuy nhiên, do VNCB đang trong quá trình tái cơ cấu, chưa thể xem xét nhu cầu vay vốn của các khách hàng nêu trên nên căn cứ vào thỏa thuận hợp tác giữa VNCB và BIDV thì đề nghị BIDV tiếp nhận nhu cầu, xem xét cho khách hàng vay vốn để kinh doanh vật liệu xây dựng với số tiền vay dự kiến cho từng công ty.

Ban khách hàng doanh nghiệp của BIDV thuộc hội sở chính BIDV đã lập 12 tờ trình phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đối với 12 khách hàng do Trần Hoài Lâm là cán bộ, Nguyễn Cao Minh là trưởng phòng và Nguyễn Hà An là phó giám đốc ban KHDN ký trình ông Đoàn Ánh Sáng là phó TGĐ phụ trách xem xét phê duyệt. Phó TGĐ Sáng phê duyệt và chỉ đạo tại 12 tờ trình với nội dung như sau: Đồng ý, xin chủ trương Phó TGĐ Trần Lục Lang và Tổng giám đốc. Ủy quyền cho giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.

Sau khi được phó TGĐ phê duyệt tờ trình thì ban KHDN chuyển hồ sơ đến ban quản lý rủi ro tín dụng thẩm định nội dung theo tờ trình. Ban quản lý rủi ro tín dụng đề nghị chấp thuận chủ trương cấp tín dụng đối với các công ty, xem xét cho vay ngắn hạn với số tiền tối đa từng công ty. Thời hạn vay phù hợp với hợp đồng bán vật liệu xây dựng ký với chủ đầu tư/ nhà thầu các dự án nhà ở BOT nhưng tối đa không quá 12 tháng. Lãi suất vay theo quy định trong từng thời kỳ. Tài sản đảm bảo: Chi nhánh yêu cầu công ty thế chấp các tài sản là bất động sản của doanh nghiệp hoặc của bên thứ ba theo đúng quy định của BIDV; trong trường hợp tài sản đảm bảo là BĐS không đủ để đảm bảo thì dùng tiền gửi của doanh nghiệp hoặc bên thứ 3 tại BIDV để đảm bảo cho khoản vay. Nếu doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn thì BIDV có quyền tự động thu nợ từ tài khoản tiền gửi đã phong tỏa tại BIDV. Trong mọi trường hợp, giá trị quy đổi của tài sản thế chấp+tiền gửi phong tỏa lớn hơn hoặc bằng 100% dư nợ vay.

Giao chi nhánh sở giao dịch 2, Chi nhánh Nam Sài Gòn, chi nhánh Bến Thành, chi nhánh Gia Định thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng, đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.

Các chi nhánh thực hiện tiếp nhận nhu cầu vay vốn, xem xét hồ sơ vay, thẩm định đánh giá trên hồ sơ, họp HĐTD cơ sở, ra quyết định cấp tín dụng, ký kết hợp đồng tín dụng, tiếp nhận ký kết các hợp đồng cầm cố TSCĐ bên thứ 3, kiểm tra vốn đối ứng 30% và đồng ý giải ngân 4.700 tỷ đồng cho 12 công ty vay như số tiền đã được hội sở phê duyệt. Toàn bộ tài sản đảm bảo gồm: 6 lô đất SVĐ Chi Lăng, lô đất 209 Trường Chinh và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV được cầm cố bảo lãnh các khoản vay. Toàn bộ tiền vay đều được giải ngân chuyển khoản vào tài khoản 4 công ty cung cấp VLXD đầu vào cho 12 công ty vay vốn gồm: Công ty Hương Việt, Quốc Thắng, Thịnh Quốc và Thiên Trang Phạm.

Như vậy, từ ngày 29/10/2013 đến 28/11/2013, các chi nhánh của BIDV nêu trên đã giải ngân cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng vào tài khoản của 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào (đều do Phạm Công Danh lập). Sau đó, toàn bộ 4.700 tỷ đồng đó được chuyển đến tài khoản 8 cá nhân mở tài khoản tại ACB và 11 cá nhân mở tài khoản tại VCB sau đó các cá nhân này ký rút tiền đề các cá nhân khác ký nộp tiền vào tài khoản 3 công ty Đại Long, Phong Hiệp, Quốc Thắng chuyển vào tài khoản của VNCB tại Agribank chi nhánh Tân Phú với tổng số tiền 4.000/4.500 tỷ đồng. Số tiền 500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ còn lại có nguồn gốc 200 tỷ từ TPBank co vay chuyển vào tài khoản Trung Dung và 250 tỷ từ nguồn tiền VNCB Sài Gòn cho các khách hàng Ngô Bích Thùy Trang chuyển khoản đến tài khoản các cá nhân Nguyễn Minh Quân, Đào Vũ Thùy Vân, Đinh Hoàng Ân, Nguyễn Dương Trúc Linh và 50 tỷ đồng do Nguyễn Thị Thủy Tiên chuyển khoản đến.

Sauk hi giải ngân, BIDV yêu cầu 12 công ty cung cấp bổ sung hồ sơ, hóa đơn chứng minh việc mua bán, giao nhận hàng hóa VLXD và phối hợp để BIDV tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhưng các công ty không cung cấp với lý do chưa giao nhận hàng hóa. Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ của BIDV thì các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ nên không có hóa đơn, chứng từ gì kinh donah VLXD, hồ sơ vay vốn khống hoàn toàn. Các công ty đã trả được một phần nợ để lấy tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Số nợ còn lại, VNCB phải dùng để gửi trả thay cho 12 công ty mà VNCB bảo lãnh, gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng.

BIDV sai phạm ra sao trong việc cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ?

Kết quả giám định về sai phạm của Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước đã kết luận về sai phạm của BIDV trong quá trình thẩm định, xét duyệt, ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng cầm cố/ bảo lãnh, giải ngân, kiểm tra sau giải ngân như sau:

-Về điều kiện vay vốn của khách hàng: Việc BIDV xem xét và quyết định cho vay khi chưa có đủ cơ sở để xác định khách hàng có khả năng trả nợ trong hạn cam kết, có phương án khả thi và hiệu quả là chưa thực hiện đầy đủ về điều kiện cho vay đối với khách hàng theo quy định.

-Về việc nhận tài sản đảm bảo của khách hàng: BIDV xem xét và quyết định cho vay đối với khách hàng khi khách hàng chưa thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp là chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay theo quy định.

-Về việc nhận bảo lãnh của VNCB để bảo đảm cho các khoản vay: Tại hợp đồng cầm cố giữa 3 bên là VNCB, BIDV và khách hàng, phía VNCB (người bảo lãnh) chỉ có 1 chữ ký của tổng giám đốc là chưa phù hợp quy định.

Việc BIDV xem xét và quyết định cho vay đối với các công ty khi khách hàng và VNCB chưa thực hiện bảo đảm tiền vay đúng theo quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ về điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định.

-Về kiểm tra sau cho vay: Việc BIDV, chi nhánh sở giao dịch 2 chỉ có văn bản yêu cầu khách hàng vay vốn cung cấp chứng từ chứng minh việc sử dụng vốn và sắp xếp để ngân hàng kiểm tra sau cho vay không kiểm tra sau cho vay đối với khách hàng là chưa thực hiện đúng quy định.

-Về việc xác định thiệt hại: Kết quả giám định về thiệt hại khẳng định việc BIDV thu nợ là phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh và đúng quy định. Đến thời điểm giám định thì các hợp đồng bảo lãnh/ cầm cố của VNCB đối với 12 công ty vay vốn tại BIDV đã được thanh lý, các nghĩa vụ bảo lãnh của VNCB đã được thực hiện. VNCB chưa thu hồi được khoản cam kết trả nợ thay cho 12 công ty là 2.550 tỷ đồng và cũng chưa buộc 12 công ty ký xác nhận nợ trong khi công ty kiểm toán xác định các khoản vay này được lập dự phòng 100%. Theo quy định thì do VNCB không có đối chiếu xác nhận nợ với 12 khách hàng nên các khoản nợ này phải xử lý như một khoản tổn thất. Như vậy, việc bảo lãnh của VNCB cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 2.550 tỷ đồng.

Việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ vi phạm những quy định gì?

Bài viết mới