Sau một năm nỗ lực, chi phí kinh doanh đã được giảm như thế nào?

Chi phí kinh doanh vẫn còn cao

Cụ thể theo báo cáo, việc giảm thu phí BOT tiếp tục được rà soát, thực hiện trong năm 2017. Cụ thể, trên cơ sở rà soát sơ bộ chi phí đầu tư và phương án tài chính của các dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính có các văn bản triển khai việc rà soát, điều chỉnh mức thu phí đường bộ, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với 2 loại xe.

Cụ thể đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bẳng container 20 feer) giảm từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đã và đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư để tiếp tục giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (giảm phí) khi áp dụng Thông tư 35.

Tính đến thời điểm báo cáo, trong tổng số 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ đã triển khai thực hiện giảm giá 35 trạm.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp , báo cáo cho biết Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo 17 Thông tư điều chỉnh mức thu phí, lệ phí do các bộ ngành, trong đó kiến bỏ quy định thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí (được chi tiết thành 17 dòng phí, lệ phí).

Đồng thời điều chỉnh giảm mức phí đối với 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí (được chi tiết thành 47 dòng phí, lệ phí) với mức giảm khoảng 5% – 25% so với mức hiện hành, cá biệt có một số khoản phí điều chỉnh mức giảm lớn hơn.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, Dự thảo đã được gửi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số doanh nghiệp và hiệp hội liên quan.

Về xây dựng chính sách tiền lương, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng khẳng định việc này đã được tiến hành linh hoạt, trả lương theo năng suất, chất lượng công việc.

Cụ thể, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tiến hành họp, thương lượng và thống nhất với phương án lương tối thiểu vùng 2018, tăng bình quân 6,5% để khuyến nghị với Chính phủ (tăng từ 180 – 230 nghìn đồng so với năm 2017).

Mức tăng này được khẳng định chủ yếu bù trượt giá, phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và cũng đã tính đến điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn và bù đắp một phần bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Ngoài ra, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5% theo Nghị định 44.

Báo cáo cũng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã lập tổ công tác liên ngành xem xét, đề xuất tăng cường quản lý, giảm sát giá, cắt giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao. Phản hồi từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cho thấy còn nhiều lĩnh vực bất cập, chi phí còn cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, lĩnh vực logistic chi phí còn cao, thời gian vận chuyển dài. Theo phản ảnh của Hiệp hội Logistics việc vận chuyển 1 contaner 40 feet từ Lạng Sơn đến TP. HCM phải qua 29 trạm thu phí, tổng phí là 4,8 triệu đồng, chưa kể các chi phí không chính thức. Chi phí về logistics hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của doanh nghiệp Việt (khoảng 20% GDP theo báo cáo của WB).

Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành còn rất cao trong một số ngành như y tế, nông nghiệp. Mức đóng bảo hiểm xã hội cao đối với nhiều ngành, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều lao động. Chi phí thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh còn quá co, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Xác định 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí

Năm 2018, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Chinh phủ cần xác định năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi hí cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị năm 2018 tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho doanh nghiệp để tác động đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ rõ nét hơn.

Trao đổi với BizLIVE về những kết quả giảm chi phí cho doanh nghiệp một năm qua, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết không phủ nhận các bộ ngành đã rất nỗ lực. Song điều quan trọng vẫn là chúng ta đã làm những cái doanh nghiệp thực sự cần chưa?

“Doanh nghiệp khát thì đừng đưa cho họ bánh mỳ. Điều họ đang cần đó là phải giảm được thuế và các chi phí trực tiếp như cầu đường, bến bãi cảng biển. Nếu giúp doanh nghiệp mà vẫn cứ để phí BOT cao thì rất khó”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, chi phí vận tải cao thì doanh nghiệp khó phát triển được. Do vậy việc giảm chi phí vận tải cần tiếp tục được ưu tiên làm mạnh trong năm 2018.

“15 năm nay chúng ta phát triển bao nhiêu cầu đường nhưng đường vào cảng Cát Lái vẫn kẹt xe ùn ùn. Vấn đề ở chỗ là chúng ta rót rất nhiều tiền vào các con đường để giải toả cho giao thông dân cư đi lại mà chưa tập trung các con đường nối các khu vực sản xuất kinh doanh buôn bán”, ông Hiển nói.

Do vậy theo vị này, chúng ta có 10 đồng, nên ưu tiên 7 đồng cho lưu thông sản xuất hàng hoá, 3 đồng cho phục vụ dân cư. “Chính phủ hiện nay đang “bắt” rất đúng “bệnh” của nền kinh tế, đó là tập trung phát triển kinh tế tư nhân, tạo môi trường thông thoáng, phấn đấu giảm chi phí nhưng quá trình triển khai thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn”, ông Hiển nói.

“Nỗ lực của Chính phủ kiến tạo, với những cải cách mạnh mẽ về gỡ bỏ nhiều quy định, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng đã được thực hiện; tuy nhiên vẫn còn chậm đi vào cuộc sống”, ông Hiển nhấn mạnh.

Ngay trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 35, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng nhận thức của một số lãnh đạo bộ ngành, các địa phương còn chưa đủ sâu sắc, dẫn đến việc triển khai chưa được hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn chưa tốt.

“Quá trình ban hành và thực thi chính sách chưa lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, một bộ phận công chức còn hạn chế, thiếu thực tế, vô cảm đối với các vấn đề gây tốn chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”, báo cáo nêu rõ.

Bộ KHĐT công bố số liệu ‘giật mình’ về chi phí của DN

Bài viết mới