Thậm chí, hàng loạt những chương trình truyền hình thực tế như Idol School được xây dựng để nói về ước mơ cũng như con đường phấn đấu trở thành ngôi sao của các bạn trẻ Hàn Quốc. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là phong cách ghi hình những phấn đấu của các thực tập sinh, lời chỉ trích của giáo viên hay diễn biến đời sống sau sân khấu của show truyền hình này lại thu hút được đông đảo người xem.
Rõ ràng, nếu được coi là một loại hàng hóa thì Kpop là một trong những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng không kém gì ô tô và smartphone của Hàn Quốc.
Nhóm Girl Generation
Ngành xuất khẩu chủ chốt
Doanh số từ việc bán vé, bán đĩa nhạc, bản quyền các ca khúc hay những dịch vụ đi kèm tại nước ngoài của Kpop đã tăng gấp đôi kể từ năm 2013 khi ngày càng nhiều giới trẻ tại Trung Quốc, Nhật Bản cùng nhiều nước Châu Á và thậm chí cả Phương Tây yêu thích loại hình này.
Số liệu của KCCA cho thấy doanh số của Kpop tại nước ngoài năm 2016 đạt 5,3 nghìn tỷ Won (4,7 tỷ USD).
Trên Youtube, số lượt xem các chương trình Kpop đã tăng 3005 so với năm 2012. Năm 2016, khoảng 24 tỷ lượt xem các chương trình Kpop đã diễn ra trên Youtube và 80% số đó đến từ thị trường ngoài Hàn Quốc.
Thậm chí nhóm nhạc BTS của nước này còn có nhiều lượt xem trên Youtube hơn cả các nghệ sĩ quốc tế như Lady Gaga, Selena Gomez hay Drake.
Nhận thấy được tiềm năng của Kpop, nhiều ứng dụng như Spotify, Apple Music hay AccuRadio đã thành lập riêng những kênh chuyên về âm nhạc Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, trang dịch vụ âm nhạc lớn nhất QQ Music với hơn 100 triệu lượt tương tác hàng ngày cũng có bước đi tương tự. Điều thú vị là nhóm nhạc được theo dõi nhiều nhất trên QQ không phải là một nghệ sĩ trong nước nào mà là Big Bang của Hàn Quốc với hơn 11 triệu người theo dõi.
Nhà sản xuất của chương trình Idol School là hãng CJ E&M, thuộc tập đoàn CJ có tổng mức vốn hóa 17,7 tỷ USD tại Hàn Quốc. Công ty này có hơn 20 chương trình truyền hình âm nhạc nổi tiếng và cũng sở hữu nhiều show chương trình cùng giải thưởng âm nhạc tầm cỡ quốc gia.
Nhóm Big Bang
Theo giám đốc Shin Kyung Kwan của CJ, nền âm nhạc Châu Á chưa bao giờ là tâm điểm của thế giới và họ đang cố gắng tạo nên sự đột phá trong ngành này, nhất là tại thị trường Mỹ.
Số liệu của IFPI cho thấy Hàn Quốc với hơn 51 triệu dân là thị trường lớn thứ 8 thế giới về doanh thu từ mảng âm nhạc, cao hơn cá các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ. Trong khi đó, báo cáo của KFICE cho biết doanh thu âm nhạc từ thị trường ngoài Hàn Quốc đã đóng góp hơn 1 nghìn tỷ Won cho GDP của nước này trong năm 2016.
Nhiều lợi ích đi kèm
Không chỉ đem về lợi nhuận, làn sóng âm nhạc văn hóa Hàn, hay còn gọi là Hallyu đã quảng bá cho các thương hiệu của nước này như Samsung, Tonymoly hay Bibigo ra ngoài Hàn Quốc.
Hơn nữa, ảnh hưởng của văn hóa Hàn cũng thúc đẩy ngành du lịch với tỷ lệ du khách quốc tế đã tăng 76% trong khoảng 2011-2016. Du khách Trung Quốc đã tăng 300% trong khi Mỹ tăng 31% ở cùng thời điểm. Hàng loạt những sản phẩm như phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, ẩm thực của Hàn Quốc được quảng bá và biết đến nhờ Hallyu.
Ngay cả những tập đoàn gia đình trị đồ sộ, hay Chaebol, những doanh nghiệp đóng góp 1,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế cũng không thể làm ngơ trước sức mạnh của ngành âm nhạc. Tập đoàn Samsung đã hợp tác với G-Dragon và cả nhóm Big Bang cho việc quảng bá những sản phẩm của hãng.
Không dừng lại đó, các thương hiệu nước ngoài cũng nhanh chân ký hợp đồng với các nghệ sĩ nổi tiếng nhằm tận dụng quảng bá sản phẩm. Ngoài Samsung, G Dragon cũng làm đại diện thương hiệu cho Chanel trong khi các hãng Amazon, AT&T và McDonald’s đều ký hợp đồng tài trợ những đại nhạc hội Kpop tại Mỹ.
Những fan hâm mộ của nhóm nhạc Wanna One tại KCON Los Angeles năm 2017
Trong khi làn sóng âm nhạc Hàn Quốc có thể truy ngược lại từ giữa thập niên 1990 thì phải đến năm 2012, khi bản hit Gangnam Style phát hành, làn sóng Hallyu mới một lần nữa thịnh hành trên toàn cầu. Đây là bài hát lần đầu tiên vượt 1 tỷ lượt xem trên Youtube và khiến nghệ sĩ Psy nổi danh toàn thế giới.
Từ đầu năm đến nay, Spotify đã tăng 100% lượng phát sóng các bản nhạc Hàn và số khán giả Mỹ chiếm 1/4 lượng người nghe. Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, nhưng những gì mà âm nhạc Hàn Quốc làm được thực sự khiến nhiều nước phải nể phục.
Trong khi đó, hãng CJ E&M với doanh thu tăng trưởng 35% thời kỳ 2011-2016 đã tiếp tục quảng bá cho văn hóa Hàn bằng đại nhạc hội KCON. Diễn ra lần đầu tại California vào năm 2012, đại nhạc hội này đã lan sang nhiều nơi như Abu Dhabi, Mexico City, Paris hay Tokyo. Năm nay, KCON diễn ra tại Los Angeles đã thu hút 85.000 lượt khán giả đến xem.
“Tầm nhìn của chúng tôi không hướng đến việc kiếm lợi nhuận cho một nghệ sĩ hay xâm lấn thị trường ca nhạc nào mà là muốn mọi người trên thế giới có thể tiếp xúc dễ dàng hơn với văn hóa Hàn Quốc”, Giám đốc Shin của CJ nói.