Khách hàng ngại xăng E5 vì hao tốn?

Xăng A95 là mặt hàng cao cấp

Mới đây, trong lần điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2018, thông báo phát đi từ Bộ Công Thương chỉ nêu các mức điều chỉnh đối với xăng E5 và các loại dầu, với việc giá xăng E5 giữ nguyên, giá dầu tăng nhẹ.

Tuy nhiên, sau đó, thông tin từ các doanh nghiệp cho hay giá xăng A95 tăng thêm 780 đồng/lít. Sau lần điều chỉnh này thì giá xăng A95 đang đắt hơn E5 khoảng 2.000 đồng/lít.

Nói về việc giá xăng A95 tăng âm thầm, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Petrolimex cho biết, lâu nay, Liên Bộ không điều hành giá xăng RON 95 do đây là mặt hàng cao cấp. Các doanh nghiệp đầu mối được tự quyết theo cơ chế thị trường.

Xăng E5 thay thế A92.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hiện nay trên thị trường chỉ còn hai loại xăng là E5, A95, và việc để các doanh nghiệp tự định giá loại xăng được cho là cao cấp liệu có xảy ra chuyện làm giá?

Liên quan đến việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần công bố giá cơ sở của xăng A95 giống như các mặt hàng xăng dầu khác để người dân không mù mờ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, xăng là mặt hàng thiết yếu, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời còn là mặt hàng bình ổn giá, do đó nếu cơ quan quản lý không giám sát xăng A95, để các thương nhân tự định sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Lo ngại xăng E5 hao tốn

Ghi nhận của Lao Động tại một số cây xăng ở Hà Nội hôm 7.1 – một tuần sau khi E5 thay thế hoàn toàn RON 92, đa số người tiêu dùng vẫn còn e ngại với loại xăng sinh học này.

Nhiều khách hàng sử dụng xe máy tay ga, motor, ôtô chọn đổ xăng A95, dù xăng này đắt hơn xăng E5 2.000 đồng mỗi lít.

Giải thích lý do lựa chọn A95, anh Nguyễn Văn Lâm (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, theo thói quen, anh vào các cửa hàng xăng dầu là đổ xăng, không thắc mắc đó là xăng gì. Sau khi theo dõi thông tin trên báo chí, anh mới biết mình đang dùng xăng E5.

“Tôi đã dùng xăng E5 nhưng cảm giác thấy phương tiện của mình chạy không “êm” lắm. Bên cạnh đó, xăng E5 hao nhanh hơn RON 92 thì phải. Trước đây, tôi đổ 60.000 đồng A92, đi được gần 1 tuần từ nhà đến chỗ làm (gần 10 km), nhưng giờ với số tiền tương tự, tôi đổ xăng E5 chỉ đi được khoảng 4-5 ngày”, anh Lâm cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, TS Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, nên minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng xăng E5 như xăng có bị hao hụt nhanh không, an toàn với động cơ xe hay không, thân thiện với môi trường ra sao.

“Ngoài ra, doanh nghiệp nên có thêm dịch vụ, mạng phân phối đủ tốt, đủ cạnh tranh thì việc có một số biện pháp khuyến khích sử dụng E5 là chấp nhận được”, ông Thành nói.

Từ 15h ngày 4/1, giá xăng giữ nguyên, tăng giá dầu diesel thêm 360 đồng/lít

Bài viết mới