Tăng tín dụng lên 21%, cần kiểm soát chặt phân bổ nguồn vốn

Theo thông báo kết luận của cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%, qua đó góp phần phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tăng tín dụng lên 21% là mức cao so với tăng trưởng kinh tế hiện nay và cần phải có biện pháp kiểm soát chặt, đảm bảo nguồn vốn đi đúng hướng vào sản xuất, kinh doanh chứ không vào các hoạt động mang tính đầu cơ.

Tính đến hết tháng 7/2017, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt 9,3%. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng qua chỉ tăng 2,52% so với cùng kỳ, một số ý kiến nhận định với áp lực lạm phát thấp nên có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đây là thời điểm thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước xem xét nới lỏng hơn về tín dụng, tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Trước yêu cầu xem xét đẩy tăng trưởng tín dụng lên 21% trong năm nay, thay vì mục tiêu tăng trưởng 18% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm, TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng: Tăng tín dụng sẽ giúp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.

“Tăng trưởng 2 quý đầu năm còn thấp. Vì thế, trong hai quý cuối năm, mỗi quý tính ra cần tăng trưởng 7% thì cuối năm tăng trưởng GDP mới đạt 6,7%. Ở Việt Nam, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào vốn. Đưa mục tiêu như thế thì cũng có mặt được nhưng vẫn có những hạn chế”, TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích.

Nếu đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm nay, thì trong các tháng còn lại, lượng tiền bơm vào nền kinh tế sẽ vô cùng lớn, lên tới hơn 600.000 tỷ đồng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, vấn đề quan trọng là nền kinh tế có hấp thụ được tăng trưởng tín dụng này hay không. Nếu tăng tín dụng đi cùng với hạ lãi suất thì dòng vốn sẽ vào được lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, công nghiệp, chế biến, dịch vụ… góp phần tăng GDP. Nhưng nếu lãi suất vẫn cao, không tạo được tăng tổng cầu an toàn, dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc cẩn trọng.

Cùng quan điểm này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tín dụng tăng trưởng cao và doanh nghiệp cũng như nền kinh tế hấp thụ được có thể đảm bảo tăng trưởng GDP tốt hơn tuy nhiên vẫn thận trọng với khả năng lạm phát quay trở lại.

“Tăng trưởng tín dụng phải chú ý đến lạm phát. Nếu tăng trưởng quá nhanh thì lạm phát khả năng quay trở lại, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là gặp nhiều thách thức, rất khó. Nên tăng trưởng tín dụng ở mức 18% là hợp lý hơn còn tăng 21% có thể khó đạt và chỉ tiêu về lạm phát có thể không được đảm bảo”, ông Khánh lưu ý.

Ngoài mối lo về lạm phát, việc tín dụng tăng trưởng cao trong một vài tháng cuối năm còn làm dấy lên lo ngại về dòng chảy tín dụng sẽ đi về đâu. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, nền kinh tế hiện nay tăng trưởng 6,5%, nếu tín dụng tăng trưởng 15% có thể coi là cao rồi, chưa nói là tăng lên 21%.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt tới giới hạn tiềm năng, vì vậy năng lực hấp thụ vốn là có giới hạn. Lượng tín dụng tăng ồ ạt thì hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là các ngành sản xuất kinh doanh, mà là khu vực bất động sản. Nguy cơ phân bổ tín dụng có thể bị bóp méo, đưa vào lĩnh vực đầu cơ như bất động sản, thay vì chảy vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng.

TS. Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo: “Giải quyết vấn đề này thì cần phải siết chặt tiêu chuẩn phân bổ tín dụng. Những dự án phải xét duyệt thận trọng không thể nới lỏng tiêu chuẩn. Nhiều trường hợp trước đây quá nới lỏng tiêu chuẩn, rồi định giá không chính xác, nên nợ xấu sau gần 10 năm chưa giải quyết được. Do đó, phải đảm bảo an toàn cho các hệ thống ngân hàng.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Ngân hàng Nhà nước luôn phải đảm bảo kiểm soát tín dụng phân bổ tín dụng cho dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ.

Bài học tăng trưởng tín dụng “nóng” năm 2008-2009 vẫn còn đó, khi tín dụng tăng trưởng tốc độ cao có thể gây ra hệ lụy, trong đó có vấn đề nợ xấu. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng cần phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, đi cùng với đó là kiểm soát dòng vốn, đưa vào những lĩnh vực ưu tiên, có lợi cho nền kinh tế, tránh đi vào những hoạt động có tính chất đầu cơ, rủi ro và tạo ra bong bóng tín dụng./.

Thận trọng với tăng trưởng tín dụng

Bài viết mới