Báo động đỏ căn bệnh làm 580 người tử vong/ngày nhưng nhiều người không biết mình có bệnh

Bệnh nguy hiểm ngày càng trẻ hóa do lối sống ăn nhanh, sống gấp, lười vận động

Anh Nguyễn Văn Việt – 31 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội trở thành bệnh nhân của khoa Nội tiết và Đ ái tháo đường , Bệnh viện Bạch Mai sau khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2.

Anh Việt cho biết, sức khoẻ anh vốn rất tốt nhưng khoảng mấy tháng gần đây, anh luôn trong trại thái mệt mỏi và thường xuyên háu đồ ngọt, khát nước nên anh mới quyết định đi khám sức khỏe. Kết quả đường huyết lúc đói của anh Việt lên tới 13 mmol/l. Các kết quả thử đường huyết kèm theo các xét nghiệm khác đều cho thấy chỉ số đường máu của anh rất cao.

Chị Hoàng Ngọc Mai (27 tuổi) trú tại Phú Diễn, Hà Nội được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 chỉ sau vài tháng sinh con.

Chị Mai cho biết lúc mang bầu 32 tuần chị cũng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ và phải điều chỉnh chế độ ăn kèm theo các biện pháp khác. Chị nghĩ đơn giản rằng đái tháo đường thai kỳ nhiều người mắc, sinh xong là sẽ hết bệnh, nào ngờ tình trạng bệnh chuyển thành đái tháo đường tuýp 2 khi tuổi đời chị còn khá trẻ.

Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, TS Phan Hướng Dương – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, có những bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 còn rất trẻ, chỉ mười mấy tuổi. Nếu như trước đây bệnh này chủ yếu là bệnh của người già thì giờ đây, nó đang là căn bệnh của mọi lứa tuổi, chủ yếu do lối sống ăn nhanh, sống gấp, lười vận động của người dân.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Thái Hồng Quang, Phó chủ tịch Hội Nội tiết – đái tháo đường Việt Nam đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: tổn thương mắt gây ra mù loà; suy thận ; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Hồng Quang, Phó chủ tịch Hội Nội tiết – đái tháo đường Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Hồng Quang, Phó chủ tịch Hội Nội tiết – đái tháo đường Việt Nam.

Đặc biệt, bệnh còn dẫn đến biến chứng tim mạch như: tăng huyết áp , tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân đái tháo đường.

Theo thống kê của Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF}, cứ 24h trên thế giới lại có 3.600 trường hợp đái tháo đường mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh đái tháo đường gây nên .

Mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường, tương đương với số người tử vong vì bệnh HIV/AIDS. Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội, chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường chiếm 5-10% kinh phí chi cho chăm sóc y tế chung trên toàn thế giới .

60% người chưa biết mình mang bệnh

Đặc biệt, GS Quang cho biết, có một thực tế đáng lo ngại là trong cộng đồng có hơn 60% bệnh nhân đái tháo được chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ liên quan đến tỷ lệ thừa cân , béo phì tăng nhanh…

Các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua cho thấy, bệnh đái tháo đường tuýp 2 có xu hướng tăng lên không ngừng. Nếu năm 1985, ước đoán có 30 triệu người trên thế giới mắc bệnh đái tháo đường, một thập kỷ sau, con số này đã là 150 triệu người.

Cho tới hôm nay, theo số liệu của IDF, số người bị đái tháo đường đã vượt quá con số 285 triệu. Cho dù các hoạt động phòng chống đái tháo đường mang lại hiệu quả, nhưng IDF vẫn dự đoán tổng số người bị đái tháo đường có thể lên tới 435 triệu vào năm 2030.

Kiểm soát bệnh từ các yếu tố của tiền đái tháo đường

Kiểm soát bệnh từ các yếu tố của tiền đái tháo đường

Giáo sư Quang đưa ra con số thống kê riêng ở nước ta, nếu như năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ từ 1,1 đến 2,5%, thì nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở lứa tuổi từ 30-60 ở nước ta là 5,7%, ở một số thành phố và khu công nghiệp lớn tỷ lệ này còn cao hơn từ 7-10% .

Tỷ lệ gia tăng này cho thấy sự bùng nổ của bệnh đái tháo đường đã và đang trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia.

Trong khi đó, các nhà khoa học đã chứng minh bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa hoặc làm chậm sự xuất hiện bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng, tăng cường hoạt động thể lực. Các nghiên cứu tại Phần Lan, Hoa Kì, Trung Quốc … và cả ở Việt Nam đều khẳng định điều này.

Trước hết, người bệnh phải biết rõ đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa kéo dài suốt cả đời. Bệnh chỉ có thể được quản lý tốt nếu chính người bệnh hiểu được họ cần phải làm gì.

Ở mức độ cộng đồng, các khái niệm về tiền đái tháo đường, các yếu tố nguy cơ đối với bệnh đái tháo đường như: quá cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipide … phải được tư vấn, tuyên truyền, giải thích để phát hiện sớm.

Có như vậy, việc phòng chống bệnh đái tháo đường mới có hiệu quả và tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị, đề phòng được các biến chứng sau này, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và gia đình của người bệnh.

Chuyên gia chỉ rõ 5 sai lầm “chết người” của bệnh nhân đái tháo đường khiến bệnh nặng hơn

Bài viết mới