Chuyển mạng giữ số: Vẫn còn… thử nghiệm

Dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) dù đã được các nhà mạng triển khai thử nghiệm khá lâu song đến nay vẫn đang trong giai đoạn gấp rút hoàn tất thử nghiệm kỹ thuật, kết nối với nhau. Vì vậy, vẫn chưa xác định được thời điểm sẽ chính thức thực hiện dịch vụ này cho người dùng điện thoại di động.

Gấp rút chuẩn bị

Ngày 23-11-2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư 35/2017 quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số, có hiệu lực hôm nay, 8-1-2018. Theo quy định của Thông tư 35, để có thể triển khai được dịch vụ MNP, các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động sẽ cùng phối hợp để hoàn tất các thủ tục cuối cùng, như: ký hợp đồng kinh tế giữa các DN, ban hành phí dịch vụ chuyển mạng, kết nối định tuyến cuộc gọi với các mạng cố định…

Thông tư 35 dù đã có hiệu lực nhưng đến nay, các bên liên quan vẫn chưa xác định chính xác thời gian thực hiện. Việc thực hiện MNP nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào kết quả các mạng đã hoàn tất thử nghiệm kỹ thuật, kết nối với nhau. Sau đó, Cục Viễn thông sẽ ban hành quy trình MNP cũng như ấn định ngày chính thức triển khai dịch vụ vào đầu năm 2018.

Đại diện VinaPhone cho biết nhà mạng này đã thực hiện thử nghiệm thành công kết nối chuyển mạng cho các thuê bao Viettel, MobiFone và đang thử nghiệm với Vietnamobile. Đến nay, VinaPhone đã sẵn sàng về hệ thống kỹ thuật và cam kết sẽ cung cấp dịch vụ theo đúng thời hạn thống nhất với các DN viễn thông và theo chỉ đạo của Cục Viễn thông.

MobiFone cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống kỹ thuật để có thể đáp ứng nhu cầu MNP của khách hàng. Bên cạnh đó, các công tác khác như bán hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng… cũng đang gấp rút chuẩn bị để theo kịp tiến độ mà Bộ TT-TT đã đưa ra.

Chuyển mạng giữ số là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người dùng di độngẢnh: Hoàng Triều

Quy trình nhanh, đơn giản

Các nhà mạng cho biết đang trong giai đoạn hoàn tất các quy trình MNP, như: kiểm tra các kết nối giữa hệ thống MNP của nhà mạng với hệ thống của Cục Viễn thông; kiểm tra hoạt động hệ thống giữa một nhà mạng thật với một nhà mạng giả lập; thực hiện các bài kiểm tra hoạt động giao tiếp, phối hợp giữa các hệ thống chuyển mạng; chạy thử nghiệm với tải tối thiểu các thuê bao MNP giữa 2 nhà mạng và hiệu chỉnh hệ thống.

Một vấn đề được người dùng quan tâm là quy trình thực hiện MNP sẽ như thế nào, điều kiện để được MNP, có chờ lâu không… Đại diện VinaPhone cho biết dự kiến thời gian hoàn thiện các thủ tục đăng ký cho nhu cầu chuyển đến Vinaphone chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi khách hàng đến đăng ký tại các điểm giao dịch của nhà mạng này.

Tuy nhiên, thời gian chuyển mạng thực tế còn phụ thuộc vào việc kiểm tra điều kiện chuyển mạng tại nhà mạng có thuê bao chuyển đi (kiểm nợ đọng cước, các điều khoản cam kết giữa nhà mạng và khách hàng….). Thời gian tối đa mà các nhà mạng chuyển đi cần trả lời xác nhận yêu cầu chuyển mạng của khách hàng, theo dự kiến sẽ thống nhất giữa Cục Viễn thông và các DN, sẽ là 1 ngày làm việc.

Các nhà mạng cũng lưu ý thời gian thực hiện thủ tục chuyển mạng của từng khách hàng sẽ phụ thuộc vào các thủ tục xác nhận đồng ý/từ chối của mạng có thuê bao chuyển đi. Việc này cần thời gian rà soát và đánh giá các cam kết, nghĩa vụ thanh toán mà khách hàng thực hiện trước khi chuyển đi.

Tại Việt Nam, theo quy định về chuyển mạng, một trong những điều kiện là thông tin thuê bao phải chính xác. Cụ thể, thông tin khách hàng đăng ký chuyển mạng phải đúng với thông tin đã đăng ký thuê bao. Trường hợp khách hàng đăng ký chuyển mạng không đúng với thông tin thuê bao, thuê bao đó sẽ bị từ chối chuyển mạng.

Theo các chuyên gia viễn thông, MNP sẽ tạo ra xu hướng cá nhân hóa số điện thoại, tạo nền tảng cho việc phát triển các dịch vụ mới liên quan đến ứng dụng thương mại, các dịch vụ nội dung trên mạng ĐTDĐ. Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ MNP sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao trả trước, lượng SIM rác cũng giảm theo. Mặt khác, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng sẽ phải khai báo chính xác thông tin cá nhân liên quan, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho khâu quản lý thuê bao, nhất là thuê bao trả trước.

Ngoài ra, việc triển khai dịch vụ MNP sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh giữa các DN viễn thông, hỗ trợ bảo đảm an ninh thông tin, tạo nền tảng cho sự phát triển thương mại điện tử… Đối với các nhà mạng, MNP tạo cơ hội thu hút thuê bao mới, nhất là những nhà mạng có vùng phủ sóng tốt, chất lượng mạng tốt và chăm sóc tốt khách hàng.

1%-15% người dùng sẽ chuyển mạng?

Theo kinh nghiệm triển khai tại nhiều nước trên thế giới, tỉ lệ thuê bao dịch chuyển chiếm 1%-15% thuê bao toàn thị trường. Điều kiện chuyển mạng, lệ phí và thời gian thực hiện sẽ quyết định đến tỉ lệ chuyển mạng của thuê bao trên thị trường.

Các nhà mạng cho biết số lượng khách hàng chuyển sang nhà mạng khác còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ và các ưu đãi của từng mạng.

Chưa chuyển mạng giữ nguyên số vì vẫn thử nghiệm và chưa có phương án kinh tế

Bài viết mới