Chính sách siết chặt quản lý tiền ảo của Trung Quốc đang được mở rộng sang các “mỏ” (“mine”) Bitcoin, khiến một số “mỏ” đào Bitcoin lớn nhất ở nước này dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài.
Theo tin từ Bloomberg, Bitmain – nhà vận hành hai cơ sở đào Bitcoin lớn nhất Trung Quốc – đang chuẩn bị mở trụ sở ở Singapore và hiện đã mở hoạt động đào Bitcoin ở Mỹ và Canada.
BTC.Top, mỏ đào Bitcoin lớn thứ ba Trung Quốc, đang mở một cơ sở ở Canada. Trong khi đó, ViaBTC, mỏ Bitcoin lớn thứ tư Trung Quốc, đã có hoạt động ở Iceland và Mỹ.
Những cuộc dịch chuyển hoạt động ra nước ngoài của các mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc cho thấy vai trò từng thống trị của Trung Quốc trong thế giới tiền ảo đang thu hẹp, trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt quản lý đối với tiền kỹ thuật số.
Sau khi cấm các vụ huy động vốn bằng phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) và yêu cầu các sàn giao dịch trong nước ngừng hoạt động giao dịch tiền ảo vào năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc tuần này đã đưa ra những đề xuất nhằm siết hoạt động đào Bitcoin. Đây là một hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng nhằm tạo ra Bitcoin bằng cách giải các bài toán trên những hệ thống máy tính khổng lồ.
Giới chức Trung Quốc dự định sẽ hạn chế mức sử dụng năng lượng của các “mỏ” Bitcoin, và đã yêu cầu chính quyền các địa phương hướng dẫn các “mỏ” Bitcoin tiến tới ngừng hoạt động “một cách có trật tự” – nguồn thạo tin cho hay.
Tuy khó có khả năng gây ra ảnh hưởng đáng chú ý đối với tốc độ giao dịch Bitcoin, động thái này của Bắc Kinh có thể tạo ra thay đổi lớn đối với ngành công nghiệp đào tiền ảo. Các công ty “khai mỏ” Bitcoin cho tới gần đây vẫn đổ tới Trung Quốc bởi sức hút từ giá điện “mềm”, các nhà máy sản xuất con chip địa phương, và nguồn nhân công giá rẻ.
Nhưng giờ đây, các “mỏ” Bitcoin không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc.
“Chúng tôi chọn Canada vì chi phí tương đối rẻ, và vì sự ổn định cũng như các chính sách của nước này”, ông Jiang Zhuoer, nhà sáng lập BTC.Top, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ngoài ra, ông Jiang cho biết công ty này còn đang cân nhắc mở hoạt động ở Iran và Nga.