Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/ năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực ĐBSCL.
Đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo, lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Điều này chứng tỏ điện mặt trời đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, thu hút khoảng 140 dự án. Tiếp theo là tỉnh Ninh Thuận khoảng 100 dự án, Đắk Lắk 13 dự án và Khánh Hòa 12 dự án…
Trong số này, có nhiều dự án quy mô đầu tư lớn như dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000 MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi. Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH True-Milk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000 MW.
Về phía ngành điện, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang tiến hành đầu tư gần 20 dự án với tổng công suất đặt khoảng 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai…
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng với tiềm năng to lớn và sự quan tâm của Chính phủ đến nguồn năng lượng này cụ thể là việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời tại Quyết định số 11 của Chính phủ vào tháng 6 và có hiệu lực vào tháng 9/2017 thì con số 12.000 MW công suất nguồn điện mặt trời có thể đạt được.