Thu ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/ngày
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, hiện nay TPHCM có quy mô kinh tế lớn nhất nước nên trách nhiệm giữ và tăng tỷ lệ cho GDP (tổng sản phẩm nội địa) cả nước hết sức vất vả, chiếm hơn 22%.
Về đóng góp thu ngân sách nhà nước, năm 2017, TP hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra và nếu tính trung bình, mỗi ngày TP thu 1.111 tỷ đồng. Năm 2018, TP phải thu mỗi ngày là 1.204 tỷ đồng.
Quy hoạch khu không gian khoa học Khu công nghệ cao TP HCM
Hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định hiện nay các Khu Công nghiệp của TP HCM có giá thuê cao, chi phí cao, còn thiếu chỗ nên năm 2018, TP phải có quy hoạch làm thêm một khu công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với vấn đề khởi nghiệp sáng tạo, qua quá trình khảo sát, sắp tới TP dự kiến hỗ trợ 5 trung tâm khởi nghiệp hiện có gồm của Sở Khoa học và Công nghệ TP, Đại học Quốc gia TP, Khu Công nghệ cao TP, Thành đoàn TP, Công viên phần mềm Quang Trung.
Bên cạnh đó, TP đang nghiên cứu hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông TP với 3 quận là Quận 2, 9, Thủ Đức. Đây là nơi công nghệ cao nhiều nhất TP, nơi nghiên cứu đại học lớn nhất TP, nơi có triển vọng khu đô thị tốt nhất TP. Nếu làm được điều này, chắc chắn 5 – 7 năm nữa sẽ giúp cho TP phát triển đột phá, là hạt nhân làm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.
Quy hoạch các tuyến đường Vành đai khu vực TP HCM
1 tỷ USD đầu tư đường Vành đai 3
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, qua 1 năm khảo sát trong nước, ngoài nước và chính các sở, ngành đề xuất, hiện nay có 10 giải pháp tạo vốn cho phát triển TP.
Theo đó, Thành phố sẽ thực hiện quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao, quy hoạch giao thông, xây dựng để thu hút các nhà đầu tư; áp dụng phương thức hợp tác công tư và cố gắng sắp tới vận dụng vào tuyến đường Vành đai 3 là mô hình đầu tư thực hiện hợp tác công tư PPP với quy mô gần 1 tỷ USD.
Đồng thời, chuyển từ đầu tư làm nhà máy sang mua dịch vụ. Ví dụ, Bệnh viện phải lập công ty môi trường để xử lý rác và nếu bây giờ kêu gọi đầu tư xử lý rác thì chỉ cần trả tiền xử lý rác mà không cần làm nhà máy rác. Tương tự, vấn đề xử lý nước thải, nước sạch… nhà nước không đầu tư tiền làm nhà máy mà trả tiền mua dịch vụ của tư nhân làm.
Mặt khác, TP mời các doanh nghiệp tham gia bỏ vốn đầu tư hạ tầng và TP trả tiền trong vòng 5 – 7 năm; phải có nguồn vốn từ quỹ đất, phải đấu giá đất; để giảm chi phí phải thực hiện đấu thầu dự án, không chỉ định thầu (trừ trường hợp đặc biệt).
Tình trạng kẹt xe tại TP HCM vẫn chưa có chiều hướng giảm
Hạn chế cấp phép chung cư, khách sạn trong nội đô
Đối với vấn đề kẹt xe, về ngắn hạn Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM sẽ có những giải pháp khắc phục giao thông cục bộ ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, điều tiết giao thông thông minh ở hầm vượt sông Sài Gòn.
Còn về dài hạn là hoàn thành các tuyến đường Vành đai 2 và 3, 4; cũng như có kế hoạch tìm nguồn vốn, kêu gọi đầu tư nối 14km còn lại của tuyến đường Vành đai 2, hơn 100km tuyến Vành đai 3 với nguồn vốn đầu tư khoảng 800 triệu USD.
Cùng với đó, trong nội đô, chú ý việc hạn chế cấp phép xây dựng các chung cư, khách sạn. Vấn đề ngập nước là vấn đề khó khăn đối với TP. Hiện nay, ngập nước ở TP do hai yếu tố là mưa và triều cường dâng mà hai yếu tố này đều hoạt động theo chu kỳ nên các giải pháp đưa ra phải thích ứng với chu kỳ; cũng như rà soát quy hoạch thoát nước của TP.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đến đầu năm 2017, đối với TP, rác thải là vấn đề hết sức nhức nhối nhưng đến nay đã ổn định; đặc biệt sau hội nghị chuyên đề của HĐND TP về xử lý rác thải, TP có lộ trình giảm chôn lấp rác thải từ 76% xuống 50% vào năm 2020 và xuống 20% vào năm 2025.
Vừa qua, UBND TP HCM cũng tổ chức thành công hội nghị kêu gọi đầu tư biến rác thành điện. Hiện UBND TP đã có kế hoạch trình Thường trực Thành ủy và TP chuẩn bị tháng 3/2018 công bố mời thầu và tháng 6/2018 sẽ xét duyệt xong để chọn ra các nhà thầu biến rác thành điện và trong vòng 5 năm tới rác không còn là vấn đề lớn.