CTCK BSC dự báo dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt sau thời điểm Tết Âm lịch

TTCK đang ở chu kỳ tăng trưởng mạnh về thanh khoản. Với lợi thế được mua mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài, nhóm cổ phiếu VN30 có mức tăng vượt trội so với các nhóm cổ phiếu khác. Xu hướng thị trường tăng giá mạnh giúp dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, đẩy dần mặt bằng giá lên.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư năm mới công bố, CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) chỉ ra cổ phiếu MidCap là nhóm tăng trưởng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2017 với mức tăng 33% so với mức tăng 20% của VN30 và 20% của SmallCap. Tuy nhiên nhóm cổ phiếu này và SmallCap điều chỉnh cho đến tận tháng 10 và chỉ tăng lại cùng thị trường vào tháng 11 khiến cho mức tăng cả năm khá hạn chế. Ngược lại nhóm VN30 tích lũy đi ngang trong tháng 7, tháng 8 và tăng tốc, duy trì đà tăng đến tận cuối năm.

Với dự báo xu hướng thị trường tích cực trong quý 1 và quý 2 năm 2018, BSC cho rằng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều khả năng sẽ có một nhịp tăng mạnh trong quý 1. Dưới đây là những luận điểm được BSC đưa ra:

Thị trường đang vào chu kỳ tăng trưởng giá tốt, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh dòng vốn ngoại mua hơn 1 tỷ USD trên thị trường niêm yết, dòng vốn NĐT nội cũng đẩy mạnh tham gia trên thị trường. Trong 3 quý đầu năm giá trị margin của các CTCK ước tính trung bình 28.955 tỷ đồng, tăng trên 30% so với bình quân quý năm 2016. Điểm tích cực ghi nhận ở một số CTCK là cho dù giá trị margin vẫn đang lập kỷ lục thì dòng tiền mới vẫn đang vào giúp cho tỷ lệ margin/giá trị tài sản không quá cao. Điều này cho thấy thị trường chưa trong trạng thái nguy hiểm. Khi dòng tiền ổn định và có thêm tiền mới vào thị trường thì xu hướng vận động giữa các nhóm ngành và cổ phiếu sẽ chắc chắn xảy ra.

Yếu tố chu kỳ tăng giá, với một chu kỳ tăng giá mạnh thường nhóm cổ phiếu Bluechips và VN30 thường là nhóm đóng vai trò dẫn dắt xu hướng sau đó dòng tiền dần luân chuyển sang các nhóm ngành và các nhóm cổ phiếu có quy mô nhỏ hơn tạo mặt bằng giá. Điều này đang xảy ra với đợt tăng hiện tại, tuy nhiên nếu xét trong chu kỳ tăng giá 2009 thì diễn biến có phần ngược lại. Khi đó, các nhóm cổ phiếu đồng loạt tăng giá nhờ gói kích cầu 1 tỷ USD. Dòng tiền chủ yếu từ nhà đầu tư trong nước nên có xu hướng vận động mạnh ở các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong khi nhóm cổ phiếu Bluechips có mức tăng thấp hơn thị trường. Chu kỳ tăng giá mạnh và kéo dài, thông thường các nhóm cổ phiếu sẽ có sự đồng thuận và không có khoảng cách tăng giá quá xa. Việc các nhóm cổ phiếu tăng mạnh là do yếu tố dẫn dắt, do tính chất của dòng tiền. Ở chu kỳ hiện tại, 2 nhóm MidCap và SmallCap đã có nhịp nghỉ khoảng 6 tháng, cũng là thời điểm tích lũy tạo nền giá tốt tại nhiều cổ phiếu và sẽ có cơ hội lớn thu hút dòng tiền.

Yếu tố định giá, P/E và P/B bình quân tăng trên 20% và và 12% trong năm 2017. P/E bình quân số học (loại trừ cổ phiếu có mức cao trên 60) của VN30 đang ở mức 19,3, có khoảng cách xa về mặt định giá so mức P/E của nhóm MidCap 12,8 và SmallCap 10,4.

Nhóm VN30 dù vậy vẫn được đánh giá hấp dẫn về mặt tăng trưởng EPS (trailing 2017/2016) trong năm 2017 với mức tăng bình quân khoảng 8% so với mức tăng lần lượt 2% và 1% của nhóm MidCap và SmallCap. Do số lượng cổ phiếu nhiều nên tính đồng nhất trong nhóm MidCap và SmallCap kém xa so với VN30. Vì vậy, số liệu này không phản ánh chính xác hoàn toàn bức tranh cải thiện lợi nhuận của nhóm này. Khá nhiều cổ phiếu có chuyển biến tích cực về tăng trưởng lợi nhuận trong 2 nhóm và đang có P/E thấp. Hơn nữa khoảng chênh lệch giá giữa VN30 và các nhóm còn lại rất lớn, do vậy dòng tiền sẽ sớm vận động tìm cơ hội cổ phiếu nổi bật ở 2 nhóm MidCap và SmallCap.

Với vận động của thị trường như hiện tại và những yếu tố tạo tiền đề kể trên, BSC dự báo dòng tiền sẽ sớm dịch vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt vào thời điểm sau Tết Âm lịch đến mùa họp ĐHCĐ và công bố KQKD năm 2017.

Bài viết mới