Bi kịch của học sinh ‘trường chuyên’: Tài năng nhưng trống rỗng, thành công nhưng đơn độc, đến bao giờ giấc mơ cha mẹ Việt mới thôi ‘đè nát’ cuộc đời con!

Tại Việt Nam, chúng ta đã quen với khái niệm trường chuyên, lớp chọn. Chuyên Amsterdam, chuyên Ngoại Ngữ, chuyên Lê Hồng Phong…đây đều là bến bờ ước mơ của rất nhiều bậc phụ huynh mong muốn con mình nhận được nền giáo dục tốt nhất (và tất nhiên đi kèm là cạnh tranh nhất).

Ở các bậc nhỏ hơn như cấp 1, cấp 2, thậm chí là cả mẫu giáo, chúng ta lại có hệ thống lớp chọn, giỏi Toán, chuyên Anh, chọn Văn, nơi những học sinh ưu tú nhất được tập hợp lại vào một lớp riêng để “bồi dưỡng nhân tài”.

Tôi có một bà chị một mực đòi phải chuyển lớp đứa con học lớp 2 của mình sang một lớp chọn, để mong nó có môi trường học tập tốt hơn, bạn bè chọn lọc hơn, giáo viên giỏi chuyên môn hơn. Đứa bé mếu máo kể với tôi: “Sang lớp mới, con chẳng có bạn nào để chơi! Các bạn cũ của con ở lại lớp cũ hết.”

Hy sinh tuổi thơ, tuổi lớn, tuổi trưởng thành để đổi lấy những điểm 10, thầy cô tốt, mang danh dân “chuyên”, và một tương lai tươi sáng, liệu chúng ta có đang vô ý đánh đổi thứ gì giá trị.

Nuôi dạy con thành công (Credit Lizzy Stewart).
Nuôi dạy con thành công (Credit Lizzy Stewart).

Trong cuốn sách nổi tiếng, The Drama of the Gifted Child, nhà tâm lý học lâm sàng Alice Miller giải thích tại sao rất nhiều những người thành công nhất, tài năng nhất lại bị bủa vây bởi cảm giác trống rỗng và cô lập giữa xã hội.

Luận điểm chính của Miller trong cuốn sách này là những đứa trẻ tài năng, hay ở Việt Nam còn gọi là những “dân chuyên” – thông minh hơn, nhạy cảm hơn, trí tuệ cảm xúc cao hơn những đứa trẻ khác – có thể bị phụ thuộc và biến đổi theo những kì vọng lớn lao của cha mẹ tới mức chúng sẽ làm bất cứ những gì bố mẹ muốn trong khi bỏ quên những cảm giác và nhu cầu thật của bản thân mình.

Khi trở thành đứa trẻ “hoàn hảo” trong những giấc mơ của cha mẹ, đứa trẻ “năng khiếu” này mất đi một thứ gì đó vô cùng quý giá.

Chúng mất đi con người thật của mình. Khi trở thành đứa trẻ lý tưởng của cha mẹ, chúng khóa chặt những cảm xúc thật của mình trong một chiếc lồng kính và ném chiếc chìa khóa đi vào tâm hồn mình đi.

Theo Miller, những đứa trẻ trường chuyên, lớp chọn trong những tình huống này thường sẽ ngừng “lớn”.

Bởi vì không thể phát triển con người thật của mình, chúng sẽ cảm thấy trống rỗng, cô lập về mặt cảm xúc, và “vô gia cư”, theo nghĩa hoàn toàn lạc lối về mặt tinh thần. Đến khi trưởng thành, những đứa trẻ luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ sẽ luôn luôn tìm kiếm sự chấp nhận từ những người khác.

Không chỉ thế, rất nhiều đứa trẻ còn phải chịu một bi kịch là phải sống với những giấc mơ còn chưa được thực hiện của cha mẹ mình. Một cách vô thức, bố mẹ chúng truyền lại những đam mê, uẩn ức ẩn khuất bên trong mình để nhờ đứa con hoàn thành hộ.

Có những bà mẹ hồi đi học chưa bao giờ được bạn bè trong lớp kính trọng vì học dốt, nay bà dồn toàn bộ những uẩn ức thời đi học của mình sang đứa con. Bằng mọi giá, bà phải bắt nó học thật tốt, điểm thật cao…để được bạn bè phải nể phục, qua đó nhờ đứa con sống lại giấc mơ chưa được thực hiện của mình.

Có những ông bố dù cố gắng bao nhiêu lần cũng không thi đỗ vào trường quân đội, vậy là đứa con lại là nạn nhân của giấc mơ dở dang này. Ông bắt con mình thi bằng được vào Học viện quân sự chẳng hạn, mặc dù đam mê của con mình là học kinh tế. Giấc mơ cha mẹ đè nát cuộc đời con là thế.

Chính chúng ta cũng đã thường xuyên phải che giấu những tâm tư, tình cảm của mình một cách điêu luyện chỉ để đáp ứng những mong ước của cha mẹ và giành được “tình yêu” của họ.

Alice Miller viết, “Khi tôi sử dụng từ ‘tài năng’ trong tiêu đề cuốn sách, tôi không ám chỉ những đứa trẻ được điểm cao hoặc có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ đơn thuần muốn nói đến tất cả chúng ta, những người đã sống sót một tuổi thơ bị bạo hành [bởi những kì vọng của cha mẹ] nhờ khả năng thích nghi tới với những bất công không nói nên lời bằng cách trở nên câm lặng… Nếu không có ‘tài năng’ được tự nhiên ban tặng này, chúng ta có lẽ không sống sót nổi.”

Tất nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng thế và không phải học sinh trường chuyên, lớp chọn nào cũng là một sản phẩm hoàn hảo từ được những ông bố, bà mẹ nhào nạn ra. Rất nhiều dân chuyên, dù suốt ngày bị mẹ bắt học đến quên cả “sống”, vẫn có thể trưởng thành mà không thấy lạc lõng.

Lạc trong chữ.
Lạc trong chữ.

Vì vẫn có rất nhiều phụ huynh không vì giấc mơ và kì vọng của bản thân mà khiến con quên mất mình thực sự là ai.

Họ để những đứa trẻ phát triển con người thật của mình, thay vì tạo ra một “cái tôi giả” vì lợi ích của bố mẹ. Miller quan sát thấy rằng chính những phụ huynh, từng một thời bị chính bố mẹ của mình đối xử như vậy, đã áp dụng lại những đè nén tâm lý này sang đứa con của mình một cách vô thức.

Tôi nghĩ câu chuyện của Miller là một bài học cảnh tỉnh. Nếu chúng ta muốn con mình trở thành những người lớn “bình thường”, chúng ta cần phải cực kì cẩn trọng. Giữa việc muốn lũ trẻ hiện thực hóa năng khiếu và tài năng của nó ở mức cao nhất, trong khi vẫn quan tâm tới những cảm giác và nhu cầu riêng của chúng đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế.

Ai mà chả muốn con mình đứng đầu lớp, vào trường chuyên lớp chọn, đi du học…nhưng họ lại quên mất cái giá để trở thành một “con cừu xuất chúng” là những nỗi đau về cảm xúc nặng nề mà chúng sẽ phải gánh chịu cả cuộc đời. Quay trở lại với đứa cháu của mình, mỗi lần được hỏi, nó vẫn thường thủ thỉ: “Con cần bạn, con không cần điểm 10!”.

Không ‘cắm đầu’ vào làm việc ngay mà sẽ ngồi vạch ra định hướng phát triển công việc cho 12 tháng tới, đây là cách mà người thành công khởi đầu năm mới

Bài viết mới