Hầu hết người lao động muốn thưởng Tết theo lợi nhuận công ty hoặc kết quả công việc, nhưng đây mới là hình thức thưởng Tết phổ biến nhất năm 2017

Theo khảo sát của Navigos Group, top 4 loại thưởng Tết mà cả doanh nghiệp lẫn nhân viên đều quan tâm lần lượt là: Thưởng theo lợi nhuận công ty, thưởng theo kết quả công việc, thưởng lương tháng 13 theo xếp loại và thưởng tháng 13 trên mức lương thực nhận mỗi tháng.

Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp lại chưa áp dụng đúng những mức thưởng Tết như sự quan tâm nêu trên. Đa số công ty đều áp dụng Thưởng tháng 13 theo mức lương nhận thực mỗi tháng (chiếm 26,8%). Nghĩa là top 3 được quan tâm nhất (thưởng theo tình hình lợi nhuận, thưởng tháng 13 theo xếp loại và thưởng theo hiệu quả công việc) không được áp dụng nhiều.

Đối với nhân viên, họ cho rằng những mong muốn về thưởng Tết chưa được đáp ứng đúng. Theo đó, top 3 những mức thưởng mong muốn đều không thực sự nhận được nhiều.

Cụ thể, có đến 19,7% người tham gia quan tâm đến Thưởng theo kết quả làm việc nhưng chỉ 7,9% trong số họ nhận được mức này. Ngược lại, chỉ có 5% người lao động muốn Thưởng tháng 13 trên mức lương tối thiểu ký trên hợp đồng nhưng lại có đến 24% nhân viên thực sự nhận mức thưởng này.

Dù không thực sự đáp ứng được mong mỏi của người lao động về hình thức thưởng nhưng khi được hỏi nếu công ty rơi vào hoàn cảnh kinh doanh lợi nhuận thấp trong năm nay, có đến 80% doanh nghiệp vẫn chọn phương án thưởng Tết cho nhân viên. Theo đó, 36% doanh nghiệp cho biết họ vẫn giữ chế độ thưởng cuối năm như bình thường, 44 % cho biết vẫn có thưởng nhưng sẽ ít hơn mọi năm.

Quan điểm trên là bởi doanh nghiệp đã có sự thấu hiểu hơn về tầm quan trọng của “khoản thưởng Tết”. Bởi lẽ, có đến 25,7% nhân viên được khảo sát cho biết sẽ nghỉ việc nếu không có thưởng Tết; 40,3% nói rằng sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị công ty phải thưởng. Nhóm cảm thấy thất vọng nhưng không dám phản ứng vì khó tìm việc mới chỉ chiếm 13,7%.

Bên cạnh mức thưởng cuối năm, người lao động cũng rất quan tâm đến gói phúc lợi của công ty khi quyết định gắn bó lâu dài.

Theo đó, có 64,3% doanh nghiệp cho rằng phúc lợi tốt giúp nhân viên muốn gắn kết lâu dài với công ty. Về phía nhân viên, tỷ lệ người tham gia khảo sát có đồng quan điểm nay là 62,5%. Ngoài ra, quan điểm các gói phúc lợi là động lực “giúp nhân viên muốn cống hiến tốt hơn cho công việc” được 28% doanh nghiệp lựa chọn. Về phía nhân viên, có 31,2% người tham gia khảo sát đồng tình với quan điểm này.

Hiện top 5 gói phúc lợi được nhiều ngành nghề (Ngành IT; Hành chính/Thư ký; Kế toán; Dịch vụ khách hàng) quan tâm sắp xếp theo thứ tự lần lượt là:

1. Chế độ tiền lương hấp dẫn

2. Chế độ thưởng hấp dẫn

3. Tăng lương hàng năm

4. Các loại bảo hiểm

5. Nghỉ phép năm

Các công ty vừa và nhỏ có quy mô từ 50 – 200 nhân viên chú ý hơn đến các phúc lợi về Du lịch cùng công ty và Nghỉ phép năm. Đối với công ty có quy mô lớn hơn 500 nhân viên thì quyền lợi “Trợ cấp ăn trưa” được đưa vào trong top 5 phúc lợi quan trọng nhất.

Các nhóm ngành nghề cũng có quan điểm khác nhau về các gói phúc lợi. Ngành nghề liên quan đến sáng tạo như Quảng cáo/Truyền thông và Kiến trúc/Thiết kế nội thất ưu tiên lựa chọn phúc lợi “Đào tạo chuyên môn” vào danh sách top 5.

Ngành Sản xuất lựa chọn gói “Du lịch cùng công ty” vào danh sách 5 phúc lợi quan trọng. Bán hàng là ngành duy nhất đưa quyền lợi “Kiểm tra khám sức khỏe định kỳ” vào danh sách này.

Dù vậy, theo kết quả trả lời, các nhân viên cho rẳng mình chưa được hưởng đúng những thứ tự ưu tiên về top 5 phúc lợi họ mong đợi nhất, đáng kể đến là việc “Tăng lương hàng năm” nằm ngoài danh sách top 5 phúc lợi họ được nhận. Tuy nhiên, Nghỉ phép năm và Các loại bảo hiểm lại đang được xếp hạng ở vị trí ưu tiên cao hơn so với mong đợi của người lao động.

Thưởng Tết Mậu Tuất 2018: “Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”

Bài viết mới