Tại nhiều con phố như Nguyễn Xí, Hà Trung…, dịch vụ đổi tiền diễn ra khá tấp nập. Theo những người làm dịch vụ, thị trường này chẳng bao giờ thiếu người có nhu cầu, và cũng không có tình trạng hiếm cung.
Nhiều đầu mối khẳng định muốn bao nhiêu cũng có, các mệnh giá dao động từ 500 đồng – 20.000 đồng, chỉ có điều mệnh giá càng thấp, mức phí đổi tiền càng đắt.
Tại hầu hết các chùa lớn, dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn có tại các cửa hàng bán đồ lễ, viết sớ. Tại cồng chùa, phủ lớn quanh Hà Nội, dịch vụ đổi tiền còn diễn ra công khai với các mâm tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 500 đồng… được đóng cọc, cả mới, cả cũ.
Liên hệ với một đầu mối đổi tiền trên mạng, được biết, tiền mệnh giá 200.000 đồng có phí đổi 5%/tổng số tiền, mệnh giá 100.000 đồng là 6%, mệnh giá 50.000 đồng 7%. Tuy nhiên, đối với mệnh giá 1.000 đồng, mức phí tăng đột biến lên 30%, mệnh giá 500 đồng lên đến 80 – 100%, cao gấp đôi so với năm 2016.
Trao đổi với một chủ đổi tiền lẻ trên đường Hà Trung, Hà Nội chị chia sẻ càng gần Tết thì mức phí càng cao và có nhiều lúc giá sẽ biến động ngay trong ngày.
“Phí đổi thấp nhất là 4-5% với tiền 50.000 đồng nhưng cao tới 70-80% với tiền 500 đồng. Để đổi một triệu đồng loại tiền 10.000 đồng mới, khách sẽ mất phí từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, đổi 2 triệu đồng loại tiền 20.000 đồng sẽ mất phí từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng. Còn với các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng thì đổi một triệu đồng mất phí hết gần 800.000 đồng”.
Bảng phí đổi tiền lẻ của một trang web trực tuyến.
Ngoài ra, hàng loạt các trang đổi tiền lẻ trực tuyến cũng nở rộ với nhiều lời cam kết mua bán tại nhà, đảm bảo tiền thật và đặc biệt là chi phí đổi thấp. Tuy nhiên, mức phí đổi cũng dao động 5-12% tuỳ mệnh giá. Trong đó, riêng mệnh giá 500 đồng được cho là khan hiếm, nhiều nơi ra giá phí đổi lên tới 150%.
Chị Hạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, năm nào gia đình tôi cũng có nhu cầu đổi tiền lẻ đi chùa lấy may, nên tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng luôn là ưu tiên hàng đầu.
“Từ mấy năm nay, tiền lẻ ở ngân hàng vẫn có nhưng không nguyên thếp, tiền có tờ mới, tờ cũ, gia đình không thích, trong khi ở các cổng chùa thì lúc nào cũng có sẵn dù giá đắt hơn”.
Những năm gần đây, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao.
Số tiền lẻ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng.
Chính vì nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao nên đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch.
Xử lý nghiêm các điểm đổi tiền lẻ trái phép
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 48/CT-TTg giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp tết.
Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy giao dịch tự động (ATM), các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ, tăng cường các hoạt động thanh toán phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; tổ chức các dịch vụ ngoại hối, thu đổi ngoại tệ phục vụ khách du lịch, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.
Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp tết; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.