Đại diện HSC: Cổ phiếu HDBank giá 33.000 đồng còn quá rẻ

Chia sẻ tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), đại diện công ty chứng khoán HSC cho biết, HDBank hiện là 1 trong 8 ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản, dư nợ tín dụng, huy động vốn và lợi nhuận, sau các ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank, VPBank, Techcombank, MB và ACB.

Tín dụng vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng 22% mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Ngân hàng kiểm soát tốt về nợ xấu với tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ khoảng 1,6% (ngân hàng hợp nhất).

Về lợi nhuận, HDBank chủ yếu thu lợi từ hoạt động ngân hàng, có 28% đóng góp từ HD Saison. Đây là công ty tài chính có thị phần lớn trên thị trường và nhiều tiềm năng phát triển. Ngân hàng hợp nhất có thể đạt mức tăng lợi nhuận bình quân mỗi năm 37% trong vòng 4 năm tới.

Theo đánh giá của các nhà phân tích đến từ công ty chứng khoán HSC, HDBank xứng đáng được định giá cao hơn so với hiện nay bởi triển vọng tăng trưởng cao hơn và vì sở hữu 50% của công ty tài chính nằm trong top 3.

Các cơ sở để HSC tin tưởng vào đánh giá này, đó là: (1). HDBank nằm trong top 10 và là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản nhanh nhất trong ngành cùng với thế mạnh trong lĩnh vực cho vay doanh nghiệp SME và cho vay cá nhân;

(2). HDBank hiện sở hữu 50% công ty tài chính HDSaison, là công ty đứng thứ 3 về thị phần cho vay tiêu dùng nói chung và dẫn đầu về thị phần đối với một số sản phẩm;

(3). Dư nợ của Ngân hàng đã tăng trưởng với tốc độ gộp là 40,43% trong 5 năm qua trong khi LNTT đã tăng trưởng với tốc độ gộp là 28,03%.

(4). HDBank có NIM hợp nhất là 4,13% cuối năm 2016 trong khi NIM bình quân của các ngân hàng niêm yết chỉ là 3,19%.

(5). Bảng cân đối của HDBank nhìn chung rất lành mạnh với tỷ lệ NPL hợp nhất chỉ 1,60% vào cuối Q2/2017. Các chỉ tiêu quản trị rủi ro cũng được duy trì rất tốt trong nhiều năm liên tiếp. Điều này cho phép Ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng cao hơn bình quân ngành trong vài năm tới.

Các nhà phân tích của HSC đồng thời nhận định, trong số các ngân hàng chưa niêm yết hiện nay, thì HDBank là một trong số ít những ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong trung dài hạn nhờ vào chất lượng tài sản an toàn, nền tảng vững vàng về cho vay SME và bán lẻ và việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng nằm trong top 3.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc tại sao lại là giá 33.000 đồng/cổ phiếu, đại diện HSC cho biết, hồi tháng 10 khi HSC vào tư vấn cho HDBank thì chỉ số VnIndex chỉ hơn 800 điểm, HSC khuyến nghị giá cổ phiếu là 32.000 đồng. Nhưng sau đó thị trường lại tăng lên và kết thúc năm đã ở 984 điểm, vì vậy các nhà tư vấn muốn đẩy giá lên cao hơn một chút.

“Chúng tôi cho rằng, giá HDBank ít nhất phải là 38.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cuối cùng chúng tôi cùng với ban lãnh đạo ngân hàng thống nhất chỉ niêm yết ở mức 33.000 đồng để nhà đầu tư có thể có lợi nhuận ngay sau khi niêm yết”, đại diện HSC nói.

Đồng thời công ty tư vấn kỳ vọng cổ phiếu HDB có thể lên đến 48.000 đồng vào cuối năm sau, tức tăng khoảng 45% so với giá lên sàn.

HDBank báo lãi 2.420 tỷ trong năm 2017, dự kiến lợi nhuận bình quân tăng 37/năm trong 3 năm tới

Bài viết mới