10 vụ tai tiếng lớn nhất trong giới kinh doanh năm 2017

Hãng hàng không United lôi xềnh xệch hành khách trước một chuyến bay

Do có quá nhiều khách trên một chuyến bay của United hồi tháng Tư nhưng không đạt được thỏa thuận trong vấn đề nhường chỗ, hai nhân viên an ninh của hãng này đành chọn giải pháp “không giống ai” là… lôi xềnh xệch khách hàng của mình xuống máy bay, khiến ông này phải nhập viện điều trị một số chấn thương.

Vụ việc này khiến thế giới nổi giận và nhanh chóng kêu gọi tẩy chay United Airlines. Thay vì chân thành xin lỗi, CEO Oscar Munoz càng có những lời lẽ như đổ thêm dầu vào lửa khi gọi nạn nhân David Đào là “quấy rối và hung hăng”.

Mặc dù sau đó ông Đào và United đã đồng ý không đưa vụ này ra tòa, nhưng theo dữ liệu của Bộ giao thông vận tải Mỹ, những lời than phiền dành cho ngành hàng không đã tăng 13% trong 6 tháng sau đó.

Hãng phim 21st Century Fox và Bill O’Reilly

Cáo buộc quấy rối tình dục khiến nhiều công ty gặp rắc rối trong năm 2017, trong đó có gã khổng lồ ngành giải trí 21st Century Fox.

Những bê bối của Fox bắt đầu trong năm 2016, khi cựu nhân viên Gretchen Carlson nộp đơn kiện Roger Ailes, trưởng bộ phận tin tức của Fox News Channel, với cáo buộc là ông này quấy rối tình dục. Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Tháng 4/2017, “ngôi sao” bình luận Bill O’Reilly đã phải trả cho 5 phụ nữ hàng triệu USD để dàn xếp mọi chuyện. Khi tin này lộ ra, nhiều công ty đã vội vã ngưng hợp đồng quảng cáo với Fox. Kết quả là O’Reilly phải ra đi.

Alphabet và Facebook

2017 là năm đã khiến cho Quốc hội Mỹ và các ông lớn trong lĩnh vực Internet phải “suy nghĩ lại” về vai trò của họ trong tiến trình dân chủ.

Giữa những đồn đoán rằng tin giả trên các mạng xã hội có thể đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ trong năm 2016, Facebook và Google đã lên tiếng phủ nhận.

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong năm 2017 khi cả Facebook và Google đều nói rằng họ phát hiện được những tài khoản có liên hệ với chính phủ Nga. Facebook cho biết khoảng 3.000 mẩu quảng cáo có liên quan tới điện Kremlin với mục đích chia rẽ nước Mỹ đã được mua trên mạng xã hội của họ. Trong khi đó, Google phát hiện được hàng chục ngàn mẩu quảng cáo có liên quan tới Nga trên YouTube và Gmail. Twitter cũng phát hiện một công ty được chính phủ Nga tài trợ đã chi 274.000 USD cho quảng cáo trên mạng của họ hồi năm 2016.

Sự việc này hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Về phần mình, Twitter, Facebook, và Google cho biết vẫn đang điều tra thêm.

Uber, Uber, và… Uber

2017 là năm Uber “dính” hàng loạt tai tiếng: cáo buộc quấy rối tình dục, nghi ngờ về năng lực lãnh đạo của nhà sáng lập Travis Kalanick, và hành động dùng phần mềm để lách luật. Kết quả là Kalanick phải từ chức, giao lại nhiệm vụ cải tổ công ty cho CEO Dara Khosrowshahithe.

Năm “hạn” chưa dừng lại ở đó với Uber khi không lâu sau khi Khosrowshahithe lên nắm quyền, Uber London bị chính quyền ở đây cấm hoạt động, và vào tháng 11, truyền thông lại đưa tin Uber bị hacker viếng thăm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 57 triệu người dùng.

Hậu quả là, Uber mất một phần thị phần vào tay đối thủ Lyft, khi giờ đây chỉ còn kiểm soát 74% thị trường Mỹ, thay vì là 84% như năm trước.

Hàng loạt vụ cáo buộc tấn công tình dục dành cho Harvey Weinstein

Tháng 10/2017, hơn 100 diễn viên nữ đồng loạt tố cáo “ông hoàng” Hollywood vì đã có những hành động quấy rối tình dục trong nhiều thập niên trước đó. Weinstein đã lên tiếng xin lỗi nhưng điều đó là không đủ để cứu vãn danh tiếng của nhà làm phim từng đoạt giải Oscar này, và cũng không thể dập tắt nổi sự giận dữ của dư luận khi biết rằng ông này đã dùng quyền lực cá nhân để duy trì vị trí của mình trong một quãng thời gian quá dài.

Dĩ nhiên là Weinstein phủ nhận có tham gia vào những vụ “không có sự đồng thuận” của nạn nhân.

Những vụ rò rỉ dữ liệu của Equifax

Công ty xếp hạng tín dụng Equifax kiếm được lợi nhuận từ việc bán thông tin cá nhân (thường là nhạy cảm) cho các tổ chức tài chính và ngân hàng.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, công ty này tiết lộ mình là nạn nhân chính của một trong những vụ lộ dữ liệu tồi tệ nhất trong lịch sử, khi thông tin của khoảng 145 triệu người, tương đương với phân nửa dân số Mỹ, bị ảnh hưởng.

CEO Richard Smith, giám đốc thông tin, và người đứng đầu bộ phận an ninh buộc phải từ chức khi có nguồn tin tiết lộ rằng Equifax đã biết là hệ thống bị tấn công, nhưng mãi hai tháng sau công ty này mới cho biết sự thật.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang điều tra xem những nhân vật hàng đầu của Equifax có phạm tội giao dịch nội gián hay không khi đã bán đi số cổ phiếu trị giá khoảng 1,8 tỉ USD ngay trước khi vụ rò rỉ được thông báo.

Samsung bị buộc tội hối lộ

Năm 2016, Samsung gặp “hạn” với các vụ nổ pin ở sản phẩm “đinh” Note 7. Năm 2017, họ lại bị tai tiếng hối lộ.

“Thái tử” Lee Jae-yong giờ đây đang đối mặt với bản án 5 năm tù giam (và có thể lên tới 12 năm) vì các tội hối lộ cựu tổng thống Park Guen-hye, tham nhũng và giấu tài sản ở nước ngoài.

Đồng CEO của Samsung Electronics Kwon Oh-hyun cũng phải từ chức hồi tháng 10.

Dù có nhiều “dấu hỏi” về sức khỏe của Samsung trong dài hạn, nhưng triển vọng ngắn hạn của công ty này dường như đang xua tan những lo lắng đó. Công ty này đã công bố lợi nhuận kỉ lục trong quý 3: 12,8 tỉ USD, gần gấp đôi con số của một năm trước đó.

Thép giả của Kobe, vật liệu kém chất lượng của Mitsubishi và những vấn đề trong việc quản lý doanh nghiệp của Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản đã có đợt tăng trưởng GDP dài nhất kể từ năm 2001 trong quý 3 năm 2017. Tuy nhiên, bên dưới của sự hồi phục này là một loạt thừa nhận liên quan đến chuyện làm giả chất lượng ở một số công ty lớn nhất của quốc gia này, khiến thế giới không khỏi bị “sốc”.

Tháng 10/2017, Kobe tiết lộ họ đã làm giả thông tin cho một số mặt hàng bán cho Boeing, Ford, Toyota, và nhiều công ty khác kể từ năm 2007. Tiếp đó, Mitsubishi Materials cũng nói rằng họ đã giả dữ liệu cho các linh kiện ô tô và máy bay, gây ảnh hưởng tới khoảng 274 khách hàng. Còn Toray, một gã khổng lồ trong ngành sản xuất, thì cho biết họ đã không cung cấp dữ liệu chính xác cho các lõi lốp ô tô của mình kể từ năm 2008.

Trong khi đó, Nissan và Subaru cũng lần lượt thu hồi 1,2 triệu và 395.000 chiếc ô tô trong năm 2017, khi thừa nhận rằng đã để cho những nhân viên không đạt chuẩn thẩm định những công đoạn kiểm tra cuối trong nhiều thập niên.

Các vấn đề của Wells Fargo lại tiếp diễn

Sau khi bị mất lòng tin hồi năm 2016 vì tạo ra hàng triệu tài khoản khống, Wells Fargo đã vất vả lấy lại số lượng khách hàng với những cam kết minh bạch và cải cách.

Tuy nhiên, những rắc rối của họ chỉ nghiêm trọng hơn trong năm 2017, khi thừa nhận rằng họ đã tính phí bảo hiểm ô tô với 570.000 khách hàng, dù họ không cần. Ngoài ra, khoảng 20.000 người trong số đó có thể đã bị thu hồi xe. Wells Fargo cho biết sẽ chi 80 triệu USD để sửa chữa lỗi lầm này.

Cũng trong năm 2017, Wells Fargo tiết lộ rằng họ phát hiện thêm 1,4 triệu tài khoản khống, ngoài 2,1 triệu tài khoản đã được phát hiện trước đó.

Apple làm chậm tốc độ iPhone

Năm 2017 của Apple khép lại bằng một rắc rối, sau khi có tin cho rằng ông lớn này đã cố tình làm chậm tốc độ những chiếc iPhone đời cũ để bù đắp cho các cục pin đang bị lão hóa.

Điều này dường như càng củng cố hơn cho thuyết âm mưu rằng trước giờ công ty này vẫn cố tình làm cho các mẫu điện thoại cũ chậm lại khi có một mẫu mới ra đời để buộc khách hàng phải nâng cấp. Hiện tại, Apple đang đối mặt với những vụ kiện vì đã làm điều này mà không cảnh báo trước cho khách hàng.

Đáp lại, Apple đã lên tiếng xin lỗi, gọi đó là “sự hiểu lầm”, đồng thời đề nghị bán những cục pin thay thế với giá 29 USD, thay vì là 79 USD như bình thường. Apple khẳng định rằng khi thay pin này, tốc độ của iPhone sẽ trở lại như cũ.

Đây là chàng trai 17 tuổi đã khiến Apple phải xin lỗi cả thế giới, đứng trước nguy cơ bị kiện hàng tỷ USD

Bài viết mới