CTCK nhận định thị trường 02/01: Những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của thị trường năm 2018

CTCK Rồng Việt: Những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của thị trường năm 2018

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, VN-Index đạt mức 984,24 điểm, mức cao nhất trong 10 năm. Nếu như VNM (+1,7%) dẫn dắt thị trường vào phiên sáng thì phiên chiều là màn trình diễn của ROS với việc tăng gần chạm trần (+6,9%) đã giúp VN-index tăng mạnh 0,77%, kết thúc 1 năm đầy thành công của thị trường chứng khoán Việt Nam (tăng 48%). Đặc biệt là tháng 11, VN-Index đã tăng 13% nhờ vào các thương vụ có quy mô khổng lồ của VRE hay VNM.

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng gần 1.200 tỷ đồng, trong đó MWG được mua 627 tỷ, ngay lập tức lấp đầy phần room mới được thêm vào từ đợt phát hành hơn 9,2 triệu cổ phiếu ESOP vừa rồi của MWG. Về nhóm ngành, trong khi dầu khí giảm giá đáng kể với các tác nhân chính là GAS (-1,3%), PVD (-2,7%), PVS (-0,8%) thì nhóm ngân hàng cũng giảm sức nóng so với những phiên vừa qua: MBB (-1,0%), STB (-0,8%), CTG (-0,2%). Còn lại thì nhóm chứng khoán với SSI (+0,5%), SHS (+1,0%), VND (+1,1%) và nhóm ngành thực phẩm & đồ uống với VNM (+1,7%), MSN (+1,3%), KDC (+0,8%) vẫn tăng khá tích cực.

Nhìn chung, tuy thị trường tuy chưa thể chạm đến mốc 1.000 điểm ngay trong năm như nhiều người kỳ vọng nhưng các kết quả kinh doanh khả quan và sự bứt phá của cổ phiếu nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán cũng như làn sóng IPO tháng 1 năm sau của PV Oil, PV Power, Lọc hóa dầu Bình Sơn là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của thị trường trong năm 2018. Xen kẽ vẫn có thể có những đợt điều chỉnh cho đến khi kết quả kinh doanh sơ bộ cả năm 2017 của các doanh nghiệp được công bố.

CTCK BSC: Tập trung vào những cổ phiếu có KQKD tốt trong quý 4

Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017 đã diễn ra khá sôi động. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đồng loạt tăng khá mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch và chỉ chịu sự điều chỉnh nhẹ vào cuối phiên chiều. Sau khi xác nhận được xu hướng thị trường thì dòng tiền của nhà đầu tư đã quay trở lại, giá trị khớp lệnh được đẩy lên khá cao và tập trung tại các cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể kể đến như MWG, DXG, VRE.

BSC nhận định, trong ngắn và trung hạn, nhà đầu tư cũng nên tái cơ cấu lại danh mục và tập trung vào những cổ phiếu có KQKD tốt trong quý 4. Bên cạnh đó, năm 2018 sẽ là năm phát triển mạnh của thị trường chứng khoán khi bức tranh vĩ mô rất tích cực và khối ngoại sẽ còn đổ tiền mạnh vào thị trường Việt Nam.

CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS: VN-Index có thể tiếp tục tăng để tiến vào vùng 990-1.000 điểm

Thị trường chứng khoán khép lại một năm rất thành công với mức tăng 48% trên chỉ số VN-Index, đây cũng là mức tăng mạnh nhất của thị trường trong giai đoạn 2010-2017.

Trong tuần qua, nhóm Large Cap tiếp tục là yếu tố chính thu hút dòng kiến và kéo chỉ số đi lên, tiêu biểu có thể kể đến là các nhóm dầu khí và ngân hàng.

Nhóm Mid Cap và Small Cap tuy chưa thu hút được dòng tiền mạnh nhưng sắc xanh đang có dấu hiệu lan tỏa tốt hơn, từ đó cải thiện khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Trong tuần tới, thanh khoản trên thị trường có thể được cải thiện và VN-Index có thể tiếp tục tăng để tiến vào vùng 990-1.000 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên.

Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt và có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh năm 2017 khả quan và triển vọng tăng trưởng năm 2018 tích cực.

CTCK Bản Việt: Tín hiệu ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tích cực

Tín hiệu ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tích cực đối với những chỉ số chủ chốt. Tuy nhiên với việc VN-Index chạm ngưỡng cản mạnh, cũng như VN30 và HNX-Index chưa vượt qua được dải Bollinger phía trên, khả năng điều chỉnh ngắn hạn có thể xảy ra. Trong khi đó, chỉ số VNMidcap dù tăng điểm cũng chưa cải thiện được tín hiệu kỹ thuật, qua đó duy trì trạng thái Tiêu cực.

Năm 2017 là năm chỉ số tăng điểm mạnh nhất kể từ khi chỉ số tăng 142% vào năm 2006 và cũng là năm có diễn biến tích cực thứ hai kể từ khi sàn HOSE bắt đầu đi vào hoạt động năm 2001. Một số mã lớn mới niêm yết như VRE, PLX, VJC và VPB khiến giá trị vốn hóa của chỉ số đạt 114 tỷ USD, trong khi con số này của năm 2008 là chưa đến 10 tỷ USD.

Nhà đầu tư chú ý, hơn 1 tỷ cổ phiếu mới sẽ “đổ bộ” lên sàn HoSE trong 2 ngày tới

Bài viết mới