Nhiều chi phí tưởng vô hình hoá hữu hình
Doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân vẫn bị ám ảnh bởi thuế, phí. Nó được xem là những rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nói rõ rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không chịu lớn.
Báo cáo nghiên cứu về môi trường kinh doanh của World Bank năm 2017 chỉ ra chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt cũng đang chịu chi phí nộp thuế cao hơn so với các nước trong khu vực, ở mức 39,1% so với lợi nhuận. Con số này cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí để tuân thủ chứng từ xuất khẩu của doanh nghiệp Việt cũng ở mức cao nhất, gần gấp 4 lần so với Singapore và 3 lần nếu đặt cạnh Philippines.
“Tôi hi vọng những con số này là sai, nhưng nếu đúng thì đấy là điều quan ngại”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT bình luận tại Toạ đàm trực tuyến “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” sáng ngày 23/8.
Những con số đấy, về sau, ông Đông cho rằng phải nhìn nhận ở góc độ khách quan, “đúng sai không quan trọng” mà phải xem là lời cảnh báo để cơ quan quản lý suy nghĩ, tìm cách giải quyết, thay vì tìm cách bào chữa.
Phân tích về hai loại chi phí: chính thức và phi chính thức, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết hiện chưa lượng hoá được chi phí phi chính thức. Con số này mới chỉ được ghi nhận thông qua tỷ lệ 60% doanh nghiệp được VCCI khảo sát cho biết họ chi trả chi phí này. “Đây là một tỷ lệ tương đối lớn”, ông Hiếu bình luận.
Đối với chi phí chính thức, ông nói rằng mọi người mới chỉ nhìn nó ở diện trực quan, thông qua thuế và phí. Tuy nhiên, 39,1% thuế phải nộp theo ông dù cao nhưng nếu doanh nghiệp làm ra lợi nhuận thì nó không phải vấn đề. “Chi phí chính thức khó hình dung ở đây chính là chi phí thời gian và chi phí cơ hội mà doanh nghiệp mất đi”, ông nói
Ông nhẩm tính nếu với 1 thủ tục hành chính cần 1 người làm trong 10 ngày, giả sử lương người này là 5,7 triệu đồng tháng ( gần 200 nghìn đồng ngày) thì một doanh nghiệp mất tương ứng 2 triệu đồng/thủ tục. Số tiền này nếu được nhân lên với 500 nghìn doanh nghiệp và cả một “rừng” thủ tục hành chính con số tính toán được sẽ là hàng trăm tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cứ mỗi ngày tăng lên, theo ông Hiếu, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội kinh doanh, như là bị phạt vì chậm hợp đồng. “Con số này rất lớn, tưởng như vô hình như thực ra là hữu hình”, ông cho biết thêm.
Doanh nghiệp ngừng kinh doanh không hẳn do gánh nặng chi phí?
Trước cách đặt vấn đề bên cạnh tín hiệu tích cực vì nhiều doanh nghiệp được sinh ra thì còn nhiều doanh nghiệp từ giã thị trường do không chịu được gánh nặng chi phí, Thứ trưởng Đông tỏ ra không đồng tình.
Ông nói rằng doanh nghiệp gia nhập và rút khỏi thị trường là bình thường. Theo đó, không phải doanh nghiệp nào rút lui cũng do không chịu đựng nổi gánh nặng chi phí, dù lý do này là có.
“Không một nền kinh tế, một bộ máy chính quyền nào đảm bảo doanh nghiệp cứ ra đời là tồn tại mãi. Kodak ngày nào vẫn còn gần gũi trong trí nhớ giờ đã không tồn tại nữa. Đấy không phải lỗi của chính sách, cơ chế. Tôi muốn chúng ta đồng thuận cao về cái này”, Thứ trưởng phân tích.
Để giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Đông chỉ ra hai phần: giảm phí phi chính thức và chính thức.
Đối với chi phí không chính thức, ông Đông nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đấy là tham nhũng vặt, gây hậu quả kinh khủng cho nền kinh tế. Nhằm xử lý vấn nạn này, ông Đông cho biết cần phải giảm giao tiếp giữa người – người trong khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, áp dụng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công qua mạng…
Đối với chi phí chính thức, ông Đông đề cập đến vấn đề phải công khai, minh bạch, tránh tình trạng tù mù. Dẫn ra ví dụ về đầu tư BOT, ông nói: “Chúng ta đầu tư không theo quy tắc nào dẫn đến hậu quả như bây giờ. Không thể chung chung một câu hài hoà lợi ích giữa các bên được. Đây là câu chuyện về nguyên lý, phải công khai chi phí xây bao nhiêu, lưu lượng như thế nào, sao lại giấu diếm? Chừng nào còn tù mù, xã hội còn ý kiến”.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh cần có cơ chế đối thoại giữa các cơ quan nhà nước mà theo ông là “vì lợi ích chung của đất nước chư không phải của Bộ, ngành, càng công khai tường minh thì càng giảm các vấn đề”.