Các nhà đầu tư dài hạn mới là những “con bạc” thật sự trên thị trường chứng khoán?

Đối với các chính trị gia và cả những người bình thường, quan niệm thường thấy là “nhà đầu tư” (investor) sẽ làm những công việc cao quý, vận dụng những kiến thức uyên thâm để phân tích và đưa ra quyết định một cách cẩn trọng trong khi “giới đầu cơ” (speculator) không khác gì những con bạc coi việc mua bán cổ phiếu giống hệt như trò đỏ đen phụ thuộc phần lớn vào may rủi.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy quan niệm nói trên đã lỗi thời. Thực chất thì những nhà đầu cơ xuất sắc nhất sẽ kiếm được tiền khi những công ty mà họ đặt cược vào có những yếu tố cơ bản tốt – đặc điểm mà chúng ta vẫn cho là chỉ có ở các nhà đầu tư. Ở chiều ngược lại, những người tự coi mình là chính thống nhất trong các nhà đầu tư chân chính lại kiếm được nhiều tiền nhất khi vận may đế với họ chứ không phải do tình hình tài chính của công ty mà họ tin tưởng đang tốt lên.

Hiểu được 2 nhóm trên kiếm được tiền ở thời điểm nào là điều có ý nghĩa quan trọng đối với những người ưa chuộng đầu tư vào các quỹ ETF smart – beta, loại quỹ luôn cố gắng tận dụng các điểm dị thường của thị trường để kiếm lời. Là phương pháp đầu tư hợp mốt nhất trên phố Wall hiện nay, tính đến cuối tháng 2 đã có hơn 500 tỷ USD được rót vào các quỹ ETF này (theo số liệu của Bloomberg). Khi theo chiến lược smart beta, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục sẽ được điều chỉnh không phải dựa theo giá trị vốn hóa mà có thể dựa theo nhiều yếu tố, từ doanh thu đến giá trị sổ sách.

Định nghĩa đầu tư và đầu cơ khá mơ hồ, nhưng trên thực tế người ta thường dựa vào thời gian để phân biệt 2 nhóm này. Trong khi giới đầu cơ thường xuyên mua đi bán lại cổ phiếu, theo sát các xu hướng với kỳ vọng sẽ có ai đó sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho cùng 1 doanh nghiệp trong tương lai; các nhà đầu tư sẽ đầu tư dài hạn và kỳ vọng kiếm được tiền khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên. Cũng từ đây mà có chiến lược đầu tư dựa vào giá trị (value) và chiến lược ăn theo xu hướng (momentum) lần lượt đại diện cho đầu tư và đầu cơ.

Những lời chỉ trích nhằm vào giới đầu cơ đã có từ ít nhất là thế kỷ 18, nhưng đến những năm 1930 làn sóng chỉ trích mới rộ lên khi nhà kinh tế học lỗi lạc John Maynard Keynes đưa ra một trong những khái niệm “hằn học” nhất. Ông nói rằng đầu cơ chỉ đơn thuần là kiếm lời nhờ đoán trúng tâm lý của thị trường ở một thời điểm nhất định trong khi đầu tư là dự báo về triển vọng của 1 doanh nghiệp trong suốt vòng đời của nó.

Ngày nay, giới đầu cơ được cho là những người đặt cược vào sự thay đổi về giá trị vốn hóa, trong khi nhà đầu tư quan tâm đến những nền tảng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên ở đây có 1 điểm kỳ lạ. Những chiến lược đầu cơ theo xu hướng vốn được thực hiện chủ yếu bởi niềm hi vọng rằng giá cả sẽ diễn biến theo đúng xu hướng gần nhất (chính là xu hướng đã giúp tài khoản sinh lời) sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả nếu như các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp cải thiện. Và các chiến lược đầu tư giá trị vốn chủ yếu dựa vào các phân tích cơ bản lại sinh lời từ việc giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đi theo xu hướng tăng.

Sau khi nghiên cứu dữ liệu 30 năm gần nhất về giá trị vốn hóa và tình hình kinh doanh của nhiều cổ phiếu, Joseph Kushner – chuyên gia đến từ Goldman Sachs Asset Management – đã rút ra một vài kết luận đáng chú ý.

Giá trị là khái niệm quá quen thuộc với các nhà đầu tư căm ghét và khinh thường giới đầu cơ, nhưng Kushner phát hiện ra rằng phương pháp tiếp cận mua các công ty giá rẻ (theo tỷ lệ P/B) mà các nhà đầu tư dài hạn tuân theo sẽ hiệu quả khi giá trị vốn hóa của doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên thực sự thì doanh nghiệp không tốt lên mà câu chuyện chỉ đơn giản là người ta sẵn sàng trả mức giá cao hơn để sở hữu cổ phiếu đó.

Ngược lại, những người đầu tư ngắn hạn chỉ giữ cổ phiếu trong 1 tháng nhưng vẫn kiếm được tiền khi giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đó sụt giảm là do các yếu tố căn bản đã được cải thiện và bù lại.

Do đó, thay vì phân biệt đối xử giữa đầu tư và đầu cơ, chúng ta nên coi chúng chỉ là những chiến lược tương đương nhau và đều là những cú đặt cược vào bản năng không hề thay đổi của con người.

Trong chiến lược đầu tư theo giá trị, bạn đặt cược rằng các cổ đông sẽ tiếp tục phản ứng thái quá với tin xấu, vì thế những công ty không – thực – sự – tốt lại trở thành rất tồi tệ. Khi cổ đông “thức tỉnh”, sự chuyển dịch từ chỗ bị định giá là tồi tệ sang “hơi xấu” sẽ giúp giá trị vốn hóa tăng lên.

Còn trong chiến lược đầu tư theo xu hướng, bạn đặt cược rằng 1 cổ phiếu chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người mua và tiếp tục tăng giá (hoặc ngược lại, cổ phiếu giảm giá khiến mọi người sợ hãi và do đó sẽ tiếp tục giảm giá). Giống như đầu tư theo giá trị, chiến lược này hoạt động tốt trong dài hạn.

Cả hai chiến lược này vừa trải qua 1 thập kỷ khá khó khăn, trong đó các nhà đầu tư theo phương pháp giá trị đã có giai đoạn tệ thứ hai kể từ năm 1926 dù được bù đắp lại chút ít sau bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Nghiên cứu của Kushner chỉ ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém này. Phương pháp đặt cược vào giá trị đem lại kết quả không tốt chủ yếu là vì nhà đầu tư đã bỏ qua đợt tăng giá trị vốn hóa mạnh mẽ của các tập đoàn lớn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là ở các cổ phiếu công nghệ. Phương pháp đầu tư theo xu hướng đã nắm nhiều cổ phiếu tốt hơn so với thường lệ, nhưng bị “đè bẹp” sau không ít lần thị trường đảo chiều chóng vánh.

Câu hỏi ở đây là những chiến lược này sẽ đi về đâu. Bản năng có thể giúp tạo ra cả những cơ hội để kiếm lời từ đầu tư lẫn từ đầu cơ, nhưng chúng không phải là vô hạn. Nếu chúng ta thực sự đang sống trong thế giới mà kẻ chiến thắng sẽ có tất cả (như trong trường hợp các cổ phiếu công nghệ lớn nhất hiện nay), chiến lược đầu tư giá trị sẽ không hoạt động nếu bạn mua cổ phiếu của những công ty thua cuộc.

Dẫu vậy, vẫn có 1 chút lý do để nghĩ rằng tâm lý của thị trường đã thay đổi, và cả nhà đầu tư lẫn giới đầu cơ đều đang trả giá quá cao cho kẻ thắng đồng thời trả giá quá thấp cho người thua. Trong trường hợp này, đến cuối cùng thì hiện thực sẽ phơi bày và đầu tư giá trị sẽ bắt đầu phát huy tác dụng.

Bài học từ trùm đầu cơ Ackman: Giá cổ phiếu 260 USD không bán, bỏ cuộc ở mức 11 USD, chấp nhận mất 3 tỷ đô la

Bài viết mới