Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phát biểu của lãnh đạo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói việc hạn chế xây nhà nội đô là đi ngược thế giới là do ông Nam không am hiểu về đô thị học, chỉ biết lợi ích của người kinh doanh bất động sản.
Ông Liêm phân tích, đô thị có loại đô thị mới, chẳng hạn như New York (Hoa Kỳ), nó cao bao nhiêu tầng không ảnh hưởng gì. Tất nhiên, lên cao bao nhiêu hạ tầng, đường xá phải kèm theo đi đôi với nhau. Còn Paris hay London là những thành phố cổ không ai nhét nhà cao tầng tại đó vì nó có bản sắc cổ kính đô thị phải giữ. Đem xây nhà vào đó là phá mất.
Nội đô của Hà Nội như Ba Đình, Hoàn Kiếm, nhất là 36 phố phường nếu nhét vào đó nhà cao tầng là phá hết bản sắc đô thị. Nó sẽ thêm trầm trọng khi đô thị cũ mật độ dân cư đã đông rồi. Nó thấp nhưng ở liền tù tì không ở gì nên dân số đông. Bây giờ thêm đông vào nữa làm sao sống được. Hiện nay, 3,5 vạn- 4 vạn người/km2. “Bây giờ con đường Nhật Tân sang Đông Anh muốn bao nhiêu tầng cũng được không ảnh hưởng gì đến ai”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cho rằng: “Theo tôi, xây nhà cao tầng trong khu vực đô thị thì phải căn cứ vào quy hoạch chứ không phải căn cứ vào dự án. Mà trong QH thì quan trọng là phải căn cứ vào quy hoạch giao thông. Tôi thấy lạ là ở ta có tư duy ‘đường này xây được bao nhiêu tầng’. Xây được bao nhiêu tầng không quan trọng mà quan trọng là chiều cao của tòa nhà bao nhiêu và mật độ xây dựng như thế nào. Bởi vì nếu không xây cao được thì người ta sẽ phát triển các tầng ngầm và do đó mật độ dân số vẫn tăng nhanh. Luật Quy hoạch đô thị của ta chưa có quy định này. Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Làm sao để xây nhà cao tầng phải theo quy hoạch chứ không phải cứ “bôi trơn” là quy hoạch phải theo dự án. Đừng để một khu đô thị cao tầng mọc lên cạnh con đường nội đô nhỏ như ruột gà”.
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Hà Nội cho hay: “Thành phố đã ban hành quy chế quản lý nhà cao tầng nội đô với quy định các khu vực không được phép hay hạn chế xây dựng công trình cao tầng không hà cớ gì lại đi nâng vượt trần nó lên. Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Ở đây không phải là bài toán của nhà đầu tư mà là bài toán của chính quyền đô thị”.
Đánh giá về việc xây cao ốc nhồi vào nội đô, luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ, cho biết: Thực trạng này cho thấy sự thiếu tính toán trong quy hoạch và phê duyệt dự án của cơ quan chức năng.
“Cần phải sửa luật về đánh giá tác động giao thông, môi trường theo hướng Nhà nước tự bỏ tiền ra, thay vì doanh nghiệp chạy đi xin giấy, sau đó nộp lại cho cơ quan Nhà nước để xét duyệt. Đây là trách nhiệm của nhà nước đối với người dân. Cơ quan Nhà nước cần thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá tác động môi trường, dựa vào kết quả đó để cơ quan thẩm quyền kết luận có hay không cấp phép cho công trình. Chi phí thuê đơn vị đánh giá do nhà nước chi trả, nếu không có tiền thì tính lại cho chủ đầu tư. Vì vậy, khi cơ quan nhà nước đã cấp phép cho một công trình đã đánh giá tác động đầy đủ, nếu vẫn xảy ra kẹt xe thì người cấp phép đó phải chịu trách nhiệm”, Luật sư Thọ nói.
Trước đó tại Hội thảo về phát triển thị trường bất động sản và việc tạo lập không gian sống ở Hà Nội, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng, ông không tán thành việc hạn chế phát triển nhà cao tầng khu trung tâm nội đô bởi nó đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của thế giới. Điều này trên thực tế đi ngược với quy hoạch chung Hà Nội.
Chủ tịch VnREA cho rằng: “Chúng ta lo sợ xây nhà cao tầng sẽ dẫn tới dân số đông. Tôi nói thẳng là quản lý mật độ dân cư phải tìm cách khác chứ không thể khống chế bằng nhà cao tầng được. Các nước như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ họ rất nhiều nhà cao tầng khu trung tâm nhưng họ quản lý rất tốt”.
Theo ông Nam, giải bài toán nội đô bằng phát triển đô thị vệ tinh của Hà Nội khó thành hiện thực, bởi muốn người dân sinh sống thì hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ trước…