Xuất khẩu than đá tăng mạnh nhất trong năm 2017
Than đá là nhóm hàng tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, với mức tăng 106% về lượng và tăng trên 152% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 257,66 triệu USD.
Giá than xuất khẩu trung bình trong 11 tháng đầu năm nay cũng tăng mạnh 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 130,4 USD/tấn.
Lượng than đá của Việt Nam xuất khẩu tới 46% sang thị trường Nhật Bản. Cụ thể: trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Nhật 906.477 tấn than đá, thu về 112,48 triệu USD, tăng mạnh 80% về lượng và tăng 126,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá than xuất sang Nhật cũng ở mức tương đối cao 124 USD/tấn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh thị trường chủ đạo Nhật Bản, thì than Việt Nam còn được xuất sang Malaysia 171.302 tấn, tăng 66% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng tới 40% so với cùng kỳ, đạt 225,6 USD/tấn.
Xuất khẩu than sang Hàn Quốc đạt 191.406 tấn, tăng rất mạnh 240% so với cùng kỳ; tuy nhiên, giá xuất khẩu giảm 11,3%, chỉ đạt 99,7 USD/tấn. Xuất sang Thái Lan 150.951 tấn, tăng mạnh 376% so với cùng kỳ; giá xuất khẩu cũng giảm 8,9%, chỉ đạt 99 USD/tấn.
Điểm rất đáng chú ý trong 11 tháng đầu năm nay là than xuất khẩu sang thị trường Lào, tuy lượng xuất khẩu không cao, chỉ đạt 16.240 tấn, tương đương 1,14 triệu USD, nhưng so với 11 tháng đầu năm ngoái thì tăng đột biến gấp 14 lần cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu. Giá than xuất khẩu sang thị trường này ở mức tương đối rẻ, chỉ 86,6 USD/tấn, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ.
Trong 11 tháng, than xuất khẩu sang thị trường Đài Loan được giá cao nhất 181 USD/tấn, tăng 53% so với cùng kỳ. Riêng với thị trường Trung Quốc, tuy năm ngoái Việt Nam không xuất khẩu than sang thị trường này, nhưng 11 tháng đầu năm nay cũng chỉ xuất khẩu được 16.240 tấn, với mức giá rẻ nhất thị trường 70,3 USD/tấn.
Xuất khẩu than đá sang Trung Quốc năm nay gặp rất nhiều khó khăn, do phía Trung Quốc yêu cầu các loại than nhập khẩu từ Việt Nam trước khi pha trộn sử dụng, phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, asen, phốt pho, clo, flo… Tuy nhiên, than Antraxit do Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất không đáp ứng được các yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, đến nay tồn kho tại khu vực Vàng Danh – Uông Bí – Quảng Ninh khoảng 2,5 triệu tấn than.
Vì vậy, vào đầu tháng 12/2017 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tăng hạn ngạch xuất khẩu than cám chất lượng cao sang Nhật Bản, sau khi việc xuất khẩu than sang Trung Quốc khó khăn. Nếu Chính phủ chấp thuận, dự kiến cả nước sẽ xuất khẩu 4,05 triệu tấn than trong năm 2018 (bao gồm cả TKV và Tổng công ty Đông Bắc).
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cho phép TKV ký hợp đồng dài hạn xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (loại 1, 2, 3) cho phía Nhật Bản, do trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TKV xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, thời hạn này chưa đáp ứng được yêu cầu cấp tín dụng của JBIC (tối thiểu là 5 năm tài khoá Nhật Bản). Vì vậy, để TKV có điều kiện huy động nguồn tín dụng của JBIC, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV được ký hợp đồng nguyên tắc dài hạn đến năm 2025 xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao.
Thị phần than Việt Nam xuất sang các thị trường
Quặng khoáng sản là nhóm hàng tuy đạt mức tăng trưởng rất mạnh về lượng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2017, với mức tăng trên 129% so với 11 tháng đầu năm ngoái, đạt 4,12 triệu tấn, nhưng do giá xuất khẩu quặng khoáng sản sụt giảm mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 38,4 USD/tấn, nên trị giá thu về chỉ tăng gần 16%, đạt 158,24 triệu USD.
Trong số 7 thị trường xuất khẩu quặng khoáng sản chủ yếu của Việt Nam là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, thì xuất khẩu sang Thái Lan tuy số lượng ít, chỉ đạt 160 tấn và giá sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ, nhưng vẫn xuất khẩu được giá cao nhất so với các thị trường khác, đạt 860 USD/tấn.
Giá quặng, khoáng sản xuất khẩu sang Nhật cũng ở mức tương đối cao 363,4 USD/tấn, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Malaysia và Hàn Quốc đạt mức trên 200 USD/tấn và xuất sang Indonesia trên 100 USD/tấn, xuất sang Đài Loan chỉ được 65,5 USD/tấn.
Riêng thị trường Trung Quốc, mặc dù chiếm 84% lượng khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam, với 3,47 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm, tăng rất mạnh 190% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng do giá xuất khẩu chỉ được 23,4 USD/tấn, giảm mạnh 54% so với cùng kỳ năm ngoái, nên trị giá thu về chỉ tăng 34,8%, đạt 81,33 triệu USD. Giá quặng, khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc ở mức rẻ nhất thị trường, chỉ bằng hơn một nửa so với giá xuất khẩu trung bình sang các thị trường khác.
Thị phần quặng, khoáng sản của Việt Nam xuất sang các thị trường