Thực trạng này đòi hỏi các bộ, ngành chức năng cần triển khai giải pháp nhằm hạn chế tối đa những ca thương vong, góp phần giảm bớt nỗi đau cho người dân.
Sự chuyển biến tích cực
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Khuất Việt Hùng, sau 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô-tô, xe gắn máy đã thu được thành quả khi tỷ lệ người dân chấp hành đội MBH đạt hơn 90%.
Điều đó góp phần quan trọng trong việc giảm số người chết vì TNGT xuống dưới con số 9.000 người mỗi năm, đồng thời hạn chế những thương tích nặng, đặc biệt là những ca chấn thương sọ não do TNGT gây ra. Số liệu nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Quỹ FIA cho thấy, có 500 nghìn ca chấn thương đầu và 15 nghìn ca tử vong được ngăn chặn nhờ sự gia tăng của việc đội MBH trong 10 năm qua. Tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng cũng giảm từ 21% năm 2007, xuống dưới 13,6% năm 2016 thông qua số liệu thu thập được tại hai bệnh viện lớn là Việt Đức (Hà Nội) và bệnh viện tỉnh Hải Dương.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Ki-đông Pác cho biết, vấn đề ATGT được Chính phủ Việt Nam quan tâm từ những năm 1990. Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ năm 2007 quy định về việc bắt buộc đội MBH, tình hình ATGT đã có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ đội MBH tăng từ 30% lên hơn 90%.
Quy định đội MBH đã ngăn ngừa 29 nghìn trường hợp chấn thương sọ não, tiết kiệm 31 triệu USD thu nhập đáng lẽ bị mất và giảm 2.200 người chết chỉ trong vòng một năm sau khi thực hiện quy định. Điều này cho thấy chính sách đúng đắn góp phần bảo vệ cuộc sống.
Chung quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) khẳng định, việc thực hiện nghiêm quy định bắt buộc đội MBH khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện cũng là thực hiện nghiêm luật, thể hiện văn hóa giao thông. Điều này không chỉ thể hiện tính kỷ cương, văn minh mà còn góp phần quan trọng trong việc kiềm chế và giảm chấn thương sọ não, giảm thương vong, thiệt hại do TNGT, qua đó tiết kiệm được tiền của cho Nhà nước và nhân dân, hình thành một thói quen mới tốt hơn trong hoạt động giao thông.
Tuy nhiên hiện nay, việc chấp hành chủ trương bắt buộc đội MBH khi đi mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện còn chưa được thực hiện triệt để, nhất là tại các tuyến giao thông nông thôn, liên huyện, liên xã hoặc tại các đô thị vào các dịp lễ, Tết.
Một số đối tượng ngang nhiên vi phạm hoặc chấp hành theo kiểu chống đối, chỉ đội mũ khi có lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trên đường. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, các cấp chính quyền, các đơn vị vào cuộc theo kiểu phong trào; việc kiểm soát của lực lượng công an chưa được quyết liệt. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố phải thường xuyên mở các đợt cao điểm theo chuyên đề hoặc lồng ghép với các chuyên đề khác để kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách,…
Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền duy trì thói quen cho người dân, tăng tỷ lệ đội MBH cho trẻ em (hiện mới dừng ở mức 35 đến 40%), một trong những vấn đề nổi cộm, được nhiều người quan tâm đó là việc kiểm tra, xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH kém chất lượng trên thị trường. Tổng Giám đốc Công ty MBH Protec Hoàng Na Hương cho biết, doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để có sản phẩm đạt chuẩn, DN phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tài chính để nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng,…
Thế nhưng, nhiều sản phẩm khi vừa đưa ra đã bị làm giả, làm nhái rất tinh vi với giá bán “siêu” rẻ. Một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ lại sẵn sàng mua, sử dụng MBH có mức giá khoảng 40 nghìn đến 50 nghìn đồng với mục đích đối phó mà chưa thật sự ý thức được đâu là sản phẩm an toàn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng.
Để bảo vệ người tiêu dùng, DN chỉ có thể khuyến cáo, hướng dẫn cách thức nhận biết chung chứ không thể giải thích đến từng người dân được. Vì vậy, tất cả các DN cần phải đồng lòng, vào cuộc để nâng cao nhận thức của người dân, phối hợp với chính quyền các cấp nhằm dẹp bỏ vấn nạn sản xuất, kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các ngành chức năng cần có những giải pháp hỗ trợ giúp DN tồn tại và phát triển. Không thể để tồn tại tình trạng vi phạm kiểu dáng, nhái mẫu mã MBH của DN đã được pháp luật bảo hộ.
Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, tình hình chất lượng MBH được sản xuất, lưu thông trên thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp. Phần lớn những cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH là các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ; bày bán trên lòng đường, vỉa hè, không có địa chỉ kinh doanh cố định,… cho nên việc kiểm tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, cần tăng cường hậu kiểm MBH cho người đi mô-tô, xe máy lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về chất lượng MBH. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các quy định kỹ thuật về MBH để tăng cường quản lý chất lượng trong thời gian tới. Đại diện của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết thêm, từ năm 2013 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 26.722 vụ sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu MBH. Trong đó, xử lý 4.371 vụ, số hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 198.778 sản phẩm.
Tổng số tiền phạt hành chính hơn 3,8 tỷ đồng. Muốn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu MBH, Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền đó chịu trách nhiệm. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH; xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông trên mô-tô, xe gắn máy không tuân thủ các quy định về đội MBH.