Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SKG của Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang đang có đợt giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, SKG chỉ còn 36.900 đồng/cổ phiếu. Từ đầu 2017 đến nay, cổ phiếu SKG đã mất giá 30%. Nếu tính từ mức đỉnh hồi tháng 7/2016 đến nay, cổ phiếu SKG đã mất đi ½ giá trị. Đối với một doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời thuộc nhóm cao nhất thị trường như SKG là một điều hết sức bất thường.
Đà lao dốc của cổ phiếu SKG có phần đóng góp rất lớn bởi các cổ đông nội bộ công ty. Cổ đông nội bộ công ty này bán ra cổ phiếu SKG cho đến trước đợt sụt giảm mạnh nhất giữa tháng 8. Đây cũng là thời gian trước lúc SKG công bố thông tin về quyết định truy thu tổng cộng 57 tỷ đồng tiền thuế của Chi cục thuế Phú Quốc ngày 14/8 vừa qua.
Đáng chú ý, kế toán trưởng công ty là bà Lưu Hải Anh đã nhanh chóng bán ra gần hết cổ phiếu bà nắm giữ kể từ khi Công ty làm việc với Chi cục thuế Phú Quốc vào ngày 23/12/2016.
Biến động giá cổ phiếu SKG từ khi lên sàn và trong 1 năm qua
Khi đó, chi cục thuế đã yêu cầu Công ty tự xác định lại ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án mở rộng mà Công ty không được ưu đãi, được hưởng ưu đãi theo đúng quy định qua từng thời kỳ và áp dụng cho các kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế trong hồ sơ khai thuế trước khi cơ quan thuế có quyết định kiểm tra thanh tra, thanh tra thuế tại Công ty.
Tuy nhiên, hầu hết cổ đông SKG không thực sự nắm rõ được thông tin trên và cũng chưa từng nghe ban điều hành trình bày qua về vấn đề này tại đại hội thường niên năm 2017. Cổ đông chỉ thực sự thấy vấn đề nghiêm trọng khi thông tin SKG bị Chi cục thuế Phú Quốc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế tổng số tiền hơn 57 tỷ đồng.
Thông tin này được công bố vào ngày 14/8/2017. Trong khi đó, Báo cáo tài chính bán niên 2017 sau soát xét của SKG được kiểm toán ngày 11/8, Kiểm toán Baker Tilly A&C đã mở đầu Cơ sở đưa ra kết luận ngoại trừ như sau: “Căn cứ kết quả kiểm tra thuế từ năm 2008 đến năm 2015 tại Công ty, Chi cục thuế Phú Quốc đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-CCT ngày 06/6/2017 và ngày 06/6/2017 và Quyết định số 21/6/2017 về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.”
Điều đó có nghĩa là thông tin SKG đã có cách thời điểm SKG công bố thông tin bị xử phạt thuế khoảng 2 tháng. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính thì công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ từ khi nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật về thuế. Sở GDCK Thành phố HCM cũng đã ban hành thông báo nhắc nhở SKG về việc chậm công bố thông tin này.
Trong khoảng thời gian đó, ông Ting Chek Hua đã bán ra hơn 532.000 cổ phiếu SKG; bà Hà Nguyệt Nhi đã kịp thời bán ra 300.000 cổ phiếu SKG. Qua đó, gián tiếp đẩy cổ phiếu SKG vốn kém thanh khoản giảm trượt thêm một mức khá dài. Như vậy phải chăng, ban lãnh đạo công ty đã qua mặt cổ đông khi nắm trước thông tin và biết trước về kịch bản cổ phiếu SKG trên thị trường sẽ giảm giá?
Theo thống kê của chúng tôi, hàng loạt cổ đông nội bộ SKG từ các vị trí chủ chốt cho đến người nhà đã liên tục giảm nắm giữ cổ phiếu nắm giữ cổ phiếu SKG. Kể từ năm 2016 đến nay, cổ đông nội bộ SKG đã có 21 giao dịch bán ra cổ phiếu SKG với số lượng hơn 3,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, riêng Chủ tịch HĐQT Hà Nguyệt Nhi đã kịp bán ra một lượng lớn cổ phiếu SKG nắm giữ và nâng lượng bán ròng lên hơn 1,6 triệu cổ phiếu SKG kể từ năm 2015 đến nay; Ông Ting Chek Hua, Phó TGĐ cũng bán ra gần 1,8 triệu cổ phiếu SKG từ năm 2016…
Có lẽ, SKG sẽ giúp nhà đầu tư có thêm một bài học thực tế nữa khi đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù rằng, kinh nghiệm được truyền lại của các nhà đầu tư lừng lẫy là hãy luôn thận trọng với các giao dịch bất thường từ cổ đông nội bộ công ty được nhiều nhà đầu tư thuộc lòng.
Đối với hoạt động kinh doanh của SKG, Kiểm toán cũng cho biết, SKG chưa ghi nhận vào sổ sách kế toán và Báo cáo tài chính số tiền bị truy thu và các khoản tiền phạt nêu trên vì Công ty đã gởi công văn cho Chi cục thuế Phú Quốc và Cục thuế Kiên Giang để khiếu nại quyết định truy thu thuế nêu trên nhưng vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của các cơ quan thuế.
Nếu Cục thuế Kiên Giang đồng tình với quyết định truy thu thuế của Chi cục thuế Phú Quốc thì số đầu năm của chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước sẽ tăng, đồng thời chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” lũy kế đến cuối kỳ trước sẽ giảm 37,7 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” kỳ này sẽ giảm 19,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty chưa điều chỉnh lại số thuế thu nhập doanh nghiệp phả nộp của năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 liên quan đến chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên. Nếu áp dụng nhất quán cách xác định ưu đãi thuế theo cơ quan thuế thì thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 Công ty phải nộp thêm lần lượt là 5,7 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng.
SKG cho biết, Công ty đang khiếu nại và chờ kết luận cuối cùng từ phía Chi cục thuế Kiên Giang. Kịch bản khiếu nạt bất thành, SKG sẽ phải đóng thêm tiền thuế cho những năm tới. Bởi Cơ quan thuế cho rằng từ tàu Superdong III trở đi là dự án mở rộng và sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thêm một thông tin khác khiến cổ đông SKG thực sự lo ngại đó chính là sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh từ cuối 2016 đang khiến cho hoạt động kinh doanh chững lại trong 6 tháng đầu năm nay. Đây cũng có thể chính là nguyên nhân khiến lãnh đạo công ty liên tục bán bớt cổ phần tại SKG.