Từ 1/1/2018, liên quan tới Bitcoin sẽ bị xử phạt ra sao?

Phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán sẽ bị xử phạt từ năm 2018

Tại khoản 6,7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm Séc, Lệnh chi, Ủy nhiệm chi, Nhờ thu, Ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN. Theo quy định này, Bitcoin và các loại tiền ảo khác sẽ không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp.

Quy định tại Khoản 6, Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150-200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo Bộ luật hình sự, tại Điều 206 sửa đổi về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, từ 1/1/2018, người nào thực hiện các hành vi trong đó có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại về tài sản từ 100 -300 ngàn đồng đến dưới 300.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

NHNN cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã phát đi thông báo về những chỉ đạo liên quan đến hành vi sử dụng các đồng tiền ảo để thanh toán.Theo đó, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, phòng, chống các hành vi liên quan đến sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn.

Không dễ xử phạt hành vi thanh toán bằng Bitcoin

Trong tọa đàm “Bitcoin và làn sóng Blockchain” Luật sưTrương Thanh Đức – Chủ tịch HĐQT BASICO cho biết hiện tại chưa có quy định pháp lý nào “cấm Bitcoin” thì đương nhiên có thể mua bán, đổi chác nhưng nếu dùng vào việc thanh toán là phạm pháp. Với bitcoin, luật pháp chỉ bảo vệ khi nhà đầu tư nộp tiền để mua Bitcoin nhưng không nhận được thứ mong muốn sau khi thanh toán. Nhưng khi một người đã sở hữu bitcoin mà vì một yếu tố nào đó bị mất giá, biến mất thì luật không có quy định liên quan.

Tuy nhiên, xác định ranh giới giữa “trao đổi” và “thanh toán” rất mong manh. Nếu mua đồng tiền là hợp pháp, dùng đồng tiền đó để thay tiền Việt thanh toán thì bất hợp pháp nhưng lại có thể trao đổi. Ông nói “Năm trước tôi có thể đổi 1 Bitcoin để lấy một cốc cafe, đó là sự trao đổi nhưng cũng là sự thanh toán trực tiếp trong một giao dịch”.

Về việc kiểm soát các hành vi giao dịch Bitcoin, ông cho rằng “Điều quan trọng nhất khi muốn mua được tiền ảo phải nộp tiền thật vào, nộp ở đâu, tiền gì và chuyển cho ai là cần có sự quản lý. Động tác chuyển tiền, phải có tiền thật, các đầu vào đầu ra, có giao dịch thực sự mới có ý nghĩa. Nhưng khi giao dịch như vậy thì đều bị quản lý bởi Nhà nước, đều bị phong tỏa nên không thể tự bitcoin trở thành tiền được”.

Như vậy, việc để xác định một giao dịch liên quan đến Bitcoin là phương tiện thanh toán hay chỉ là trao đổi đơn thuần hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Đó sẽ là vấn đề khó cho các cơ quan quản lý trong việc đưa vào quyết định xử phạt hay không.

Người chơi tiền ảo vẫn rất “lạc quan”

Cuối tháng 10, NHNN đã có thông báo chính thức và nhiều lần khẳng định Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Trong khi còn nhiều tranh cãi về quy định xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự một số hành vi liên quan tới Bitcoin thì chỉ trong 2 tháng cuối năm (tức là sau khi NHNN đã có thông báo), lượng “trâu cày” Bitcoin nhập về địa bàn Tp.HCM theo Cục Hải quan thành phố là hơn 5.500 máy. Trước đó, tính đến cuối tháng 10 mới chỉ có khoảng 1.400 máy nhập về.

Nhiều người tin tưởng rằng, Bitcoin vẫn là kênh đầu tư siêu lợi nhuận trong tương lai, đồng thời đào coin hay giao dịch coin sẽ không bị xử phạt. Anh Tiến, một người chơi Bitcoin cho biết anh có tìm hiểu về các quy định của luật pháp liên quan tới Bitcoin, và theo anh việc đào coin, trữ coin, mua bán coin như một loại tài sản là không phạm pháp. Chỉ các tổ chức tín dụng cũng như các đơn vị cung ứng dịch vụ sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ và phương tiện thanh toán mới bị xử lý, còn việc sở hữu, mua bán bitcoin của người dân thì không.

“Lạc quan” là thế, nhưng người chơi Bitcoin và các tiền ảo khác nói chung cũng cần tự ý thức được rằng, cho dù không gặp phải rủi ro liên quan tới pháp lý thì người chơi cũng đang tham gia vào một hình thức đầu tư vô cùng mạo hiểm. Giá trị Bitcoin ngày càng biến động khó lường và các hành vi đa cấp, lừa đảo liên quan tới các đồng tiền ảo nói chung vẫn đang diễn ra khiến nhiều người “tiền mất, tật mang” nhưng không biết kiện như thế nào vì không được pháp luật bảo vệ.

Còn lại gì nếu bong bóng Bitcoin tan vỡ?

Bài viết mới