Những hy vọng về một cuộc sống ấm no hơn từ những cánh rừng cao su đang lan tỏa ở nhiều bản mường Tây Bắc.
Xe vận chuyển mủ cao su tại vườn
Men theo những con đường đất chạy dọc các lô trồng cao su ở nông trường cao su Châu Quỳnh thuộc huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La, trong không khí se lạnh của buổi sớm mai, chúng tôi nghe vẳng từ xa tiếng cười tiếng nói của các công nhân đang đi cạo mủ cao su vẳng lại.
Đến lô đang cho khai thác mủ của đội cao su Liệp Muội, chúng tôi không chỉ choáng ngợp bởi hàng nghìn cây cao cao su đang vươn tán, hiên ngang, ngạo nghễ trên những sườn đồi, mà còn thấy thực sự háo hức và phấn khích trước cảnh hàng trăm công nhân đang miệt mài quanh những gốc cây cao su. Từng đôi mắt chăm chú, tập trung, những đôi bàn tay lành nghề, thoăn thoắt xoay quanh những thân cao su đường kính ngoài 50cm; từng đường cạo sắc ngọt, vạch chéo thân cây, để rồi dòng nhựa trắng đục ứa ra, chảy xuống những chiếc bát treo sát thân cây. Thỉnh thoảng đâu đó vang lên tiếng cười, tiếng nói chuyện lao xao dưới vòm lá xanh tít tắp
Chị Lò Thị Nết – Giám đốc Nông trường cao su Châu Quỳnh cho biết, Nông trường có 1.000ha cao su thì nay đã đưa vào khai thác 317ha. Trong năm vừa qua, gần 300 công nhân của nông trường đều có việc làm ổn định từ khai thác mủ và chăm sóc vườn cây. Chị Nết còn cho biết: vườn cây cao su của nông trường luôn dẫn đầu toàn Công ty về năng suất mủ. Năm 2017, nông trường khai thác được 450 tấn mủ đông. Mỗi cây cao su cho khai thác trung bình 1,3 đến 1,4 lạng mủ. Sáng nào cũng vậy, hàng trăm công nhân của nông trường thức dậy và có mặt rất sớm trên các vườn cây cao su để khai thác mủ. Người có tay nghề giỏi hướng dẫn người có tay nghề yếu hơn. Dự kiến năm 2018 tới đây, Nông trường sẽ đưa tiếp hơn 434ha cao su nữa vào khai thác, nâng số diện tích đã cho khai thác lên 751ha, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân.
Vừa nhanh tay cạo mủ, vừa vui vẻ trò chuyện với phóng viên, anh Lò Văn Thông ở đội cao su Liệp Muội cho biết, ngày nào cũng thế, anh cùng hàng trăm công nhân có mặt trên cánh rừng cao su để khai thác mủ. Anh cho biết: sau thời điểm cao su khép tán, công việc ít và thu nhập thấp khiến không ít người nghi ngờ về hiệu quả của chương trình phát triển cao su trên Tây Bắc, nhưng từ năm 2016, khi những gốc cao su đầu tiên đến tuổi thu hoạch, anh Thông cùng 600 công nhân khác trong đội lúc nào cũng có việc đều và thu nhập khá ổn định. Mấy tháng gần đây, do tay nghề giỏi nên thu nhập của anh tháng nào cũng đạt từ 4 triệu đến 4,8 triệu đồng.
Đến đội cao su Phiêng Tìn huyện Mường La, chúng tôi cũng vui lây niềm vui của hàng trăm công nhân ở đây. Trên con đường nhựa dẫn vào vườn cao su đã cho khai thác, chị Lò Thị En và các công nhân đang chuyền tay nhau những bao tải nặng trĩu mủ cao su để chuyển lên thùng chiếc xe tải lớn để chuyến đi chế biến. Từ năm 2016, khi những gốc cao su đầu tiên cho thu hoạch, chị En và gàn 200 công nhân trong đội lúc nào cũng có việc làm và thu nhập ổn định. Chị En cho biết: “Trước cây cao su chưa cho mủ thì tôi thu nhập 1 tháng 1,2 triệu đến 1,5 triệu. Giờ cây cao su đã cho mủ thì thu nhập cũng khá, với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu. chúng tôi yên tâm và gắn bó lâu dài với cây cao su”…
Chị Lò Thị En
Không chỉ có thu nhập ổn định từ khai thác mủ cao su, nhiều công nhân ở các đội cao su đã có thêm thu nhập từ nghề nuôi ong dưới tán cao su. Công ty cổ phần cao su Sơn La cũng đã có đơn đặt hàng đầu tiên từ Hàn Quốc đối với sản phẩm mật ong cao su. Anh Lò Văn Điệp – đội cao su Pú Bâu – Nông trường cao su Châu Quỳnh đang đến đội cao su Phiêng Tìn ItsOng để học kỹ thuật nuôi ong vui vẻ nói: “Tôi được Nông trường cử đến đây học kỹ thuật nuôi ong dưới tán cao su. Vừa làm, vừa quan sát, vừa học hỏi, tôi thấy nuôi ong rất là thú vị, không quá khó, mà lại giúp anh em công nhân vừa có việc làm, vừa có thu nhập ngay dưới tán rừng cao su của mình. Trong 1 tuần này thôi, tôi ở đây đã quay mật 140 đàn ong này, đc 6 tạ mật, mình nhìn thấy thực tế, mình thấy vui lắm, rất hiệu quả. Nếu mật ong này nhập cho công ty, công ty xuất ra nước ngoài thì mình còn vui hơn”
Anh Hoàng Liên Sơn – Đội trưởng đội cao su Ít Ong, Công ty Cổ phần cao su Sơn La thì cho biết, đàn ong do anh chăm nuôi tính đến thời điểm thu vừa rồi được hơn 1 tấn mật, với 2 tạ phấn, cộng lại sau 5 tháng nuôi suýt soát 100 triệu, Với triển vọng này thì 1 đàn ong 1 năm sẽ cho 1 triệu rưỡi đến 2 triệu 1 đàn, sẽ cải thiện đáng kể thu nhập cho công nhân.
Kiểm tra đàn ong được nuôi dưới tán cao su
Tại tỉnh Sơn La, trong số 6.000ha cao su đến nay đã có gần 1.000ha cho khai thác mủ. Năm 2016, diện tích 150 ha cao sủ đầu tiên cho thu hoạch được 300 tấn mủ đông, vượt 170% kế hoạch tập đoàn cao su giao, nhưng sang năm 2017, số diện tích cho khai thác đã tăng 914ha, sản lượng mủ đã đạt 1.500 tấn mủ đông, vượt 37,5% KH giao hoàn thành trước kế hoạch 28 ngày. Ông Nguyễn Bá Quý – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La cho biết: “Hiện nay được sự chấp thuận của tập đoàn và tỉnh Sơn La, hiện công ty đang triển khai xây dựng nhà máy ở Tông Lạnh Thuận Châu, nhà máy có công suất 9.000 tấn/năm, Tháng 6/2018 nhà máy hoạt động và đưa vào SX.
Với năng suất và chất lượng như vậy, chúng tôi tin rằng thời gian tới đây khi vườn cây đưa vao khai thác nhiều thì công ăn việc làm sẽ nhiều hơn và đời sống công nhân sẽ tốt hơn”. Còn Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng việc trồng cây cao su giúp tăng độ che phủ của rừng, đảm bảo sinh thái môi trường rừng, từ đó hạn chế được tình trạng cháy rừng, lũ ống lũ quét xảy ra vao mùa mưa lũ.
Ngoài ra, sản phảm chủ yếu của cây cao su là mủ, còn gọi là vàng trắng, ngoài ra gỗ cây cao su còn là nguồn thu đáng kể cho người dân, cây cao su góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, góp phàn quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Dự kiến năm 2018, Công ty cổ phần Cao su Sơn La sẽ đưa vào khai thác mủ 2.600ha cao su, tạo thêm việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động nữa, đảm bảo thu nhập cho 100% người công nhân trồng cao su, nhân thêm những niềm hy vọng về loại cây công nghiệp đa mục tiêu trên mảnh đât Tây Bắc.