Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến ngày hiệu lực của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Một trong những nội dung được sửa đổi lần này là các chủ tịch, tổng giám đốc ở ngân hàng không được đồng thời là chủ tịch, tổng giám đốc ở doanh nghiệp khác.
Quy định này khiến cho các lãnh đạo ngân hàng, vốn đã có thời gian rất dài gắn bó với doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng tạo nên thương hiệu cho họ hơn là ngân hàng hiện tại, buộc phải lựa chọn đứng tên ở ngân hàng hay doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm này, đã có vài lãnh đạo xác nhận họ có lựa chọn của mình.
Theo đó, ông Dương Công Minh quyết định làm chủ tịch Sacombank thay vì chủ tịch của công ty tập đoàn Him Lam- doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản với những dự án đình đám từ sân golf tới nhà ở…và là nơi ông đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ.
Ông Đỗ Minh Phú, người có 1/4 thế kỷ gắn với thương hiệu DOJI, cũng quyết định từ bỏ nơi đây để ở lại làm chủ tịch ngân hàng TPBank, nơi mà ông vừa mới gia nhập vừa tròn 5 năm.
Bà Thái Hương, Tổng giám đốc của ngân hàng Bắc Á, cũng vừa quyết định không đứng tên tại TH để làm CEO của BacABank – một ngân hàng nhỏ trong hệ thống và vừa mới lên sàn UpCOM trong ngày hôm nay 28/12.
Các vị sếp ngân hàng nói trên đều có chung một lý do đưa ra cho sự lựa chọn của mình, ấy là “đã hoàn thánh sứ mệnh” tại doanh nghiệp. Và cũng có một điểm chung giữa các vị này là họ đều là cổ đông sở hữu lượng lớn cổ phiếu ở ngân hàng.
Vẫn còn rất nhiều cái tên chưa công bố lựa chọn ở thời điểm này, như là ông Đỗ Quang Hiển của SHB, ông Vũ Văn Tiền của ABBank, ông Đặng Khắc Vỹ chủ tịch VIB, bà Nguyễn Thị Nga chủ tịch SeABank, bà Lê Thị Băng Tâm của HDBank…Tuy nhiên theo nguồn tin riêng của chúng tôi, một trong những cái tên nói trên là “Bầu” Hiển sẽ tiếp tục ở lại với SHB.
Việc ra đi hay ở lại của các vị sếp ngân hàng, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, sẽ có khá nhiều tác động đến hoạt động của ngân hàng, do đó việc các doanh nhân này lựa chọn ngân hàng thay vì doanh nghiệp là điều dễ hiểu.
Thậm chí, như phân tích của một vị chuyên gia, thì do lĩnh vực ngân hàng rất khắt khe, để vào được ngân hàng không hề đơn giản nên chẳng dại gì mà các vị lãnh đạo đã có vị thế lại chọn rời đi. Trong khi đó với doanh nghiệp, kể cả họ không đứng tên làm chủ tịch hay tổng giám đốc thì vẫn có cách để điều hành được.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Bùi Quang Tín đến từ Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các vị sếp ngân hàng sẽ chẳng bỏ thương hiệu của mình đã gắn bó với doanh nghiệp lâu nay, mà sẽ có cách để xử lý sao cho tuân thủ quy đinh mà lại theo đuổi được giấc mơ tài chính ngân hàng, chẳng hạn ủy quyền cho người thân tín điều hành doanh nghiệp.
Nhưng theo ông Tín, quy định mới trong Luật tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ khiến cho ngành ngân hàng phải đối mặt với 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là tình trạng sở hữu chéo sẽ khó kiểm soát hơn. Nếu thanh tra giám sát của NHNN không kỹ lưỡng, nếu bộ máy quản lý không chặt chẽ thì sẽ khó phát hiện sở hữu chéo vì có thể phát sinh trường hợp đứng tên hộ. Thứ hai, là phải tìm ra ông chủ thực sự của ngân hàng và doanh nghiệp, bởi hiện có nhiều người đứng quyền điều hành doanh nghiệp khác nhưng chỉ có được một số quyền nhất định, còn quyền điều hành thực chất lại thuộc về ông chủ thực sự của doanh nghiệp.
Dẫu vậy, vị chuyên gia này đánh giá sự sửa đổi mang đến những cái lợi rất lớn cho hệ thống ngân hàng đó là hạn chế rủi ro và kiểm soát tình trạng phá rối ngân hàng của nhóm cổ đông nào đó. Còn những mặt trái có thể khắc phục bằng việc kiểm soát chặt chẽ hơn.