2017 là một năm hết sức thành công cho nhà đầu tư chứng khoán. Thế nhưng khi hầu hết các cổ phiếu đã tăng quá cao, có thể mức giá đã không còn ở mức hấp dẫn, việc đầu tư trong năm 2018 liệu có suôn sẻ nữa không? Mạng xã hội chứng khoán Stockbook vừa tổ chức hội thảo “2018 – Đầu tư thế nào cho hiệu quả” vào ngày 25/12. Hội thảo đã thu hút 150 nhà đầu tư tham gia trực tiếp và 1.000 nhà đầu tư theo dõi online.
Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư hỏi nhất trong hội thảo là “Năm 2018 đầu tư ngành nào cho hiệu quả?”
Nông nghiệp, tiêu dùng bán lẻ là những ngành tiềm năng
Lucas Trader, quán quân cuộc thi FA thánh chiến diễn ra trên Stockbook với chuỗi bài “Mùa đông đang đến” cho rằng ngành đáng đầu tư nhất là ngành Nông nghiệp bởi 2 lý do.
Thứ nhất, trái đất chuẩn bị rơi vào thời kỳ tiểu băng hà. Điều này có vẻ không liên quan tới thị trường chứng khoán, nhưng số liệu theo dõi lịch sử vòng quay của mặt trời cho thấy mỗi lần như vậy thị trường chứng khoán thế giới đều giảm điểm mạnh. Khi mặt trời hoạt động yếu đi, mùa màng dễ thất thu, khiến cho giá lương thực thực phẩm cao lên. Vì vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được lợi. Những doanh nghiệp tài chính, bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát và lãi suất tăng cao.
Thứ 2, ngành nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 40% trong năm qua. Giá trị ngành này năm 2017 chỉ đạt 4 tỷ $ so với toàn thị trường 15 nghìn tỷ $, dư địa còn rất lớn.
Anh Lã Giang Trung, CEO & Founder công ty tư vấn đầu tư Passion Investment cho rằng nên chọn những ngành phục vụ nhu cầu của số đông dân số, tức tầng lớp trung lưu, tầng lớp đang gia tăng mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam.
Anh Trung chia sẻ: “Chúng tôi đã nghiên cứu các nước tương đồng xung quanh Việt Nam và phát hiện ra một điều đặc biệt: Thái Lan có các điều kiện về kinh tế, xã hội tương đối giống Việt Nam và đi trước chúng ta không xa lắm. Gần đây tại sao Thái Lan lại đầu tư nhiều vào Việt Nam đến vậy? Đó là vì họ đã đi trước và có kinh nghiệm, họ biết rõ ngành nào sẽ thuận lợi trong các năm tới, ví dụ ngành sữa, ngành bia, và ngành tín dụng tiêu dùng cho tầng lớp thu nhập 5-7 triệu đồng. Đây cũng là ngành có khả năng tăng trưởng lớn nhờ sự gia tăng thu nhập trung bình của xã hội”.
Ông Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và quản lý kinh tế TW đồng ý với cách chọn ngành của các khách mời tham dự, tuy nhiên ông nhấn mạnh thêm: “Trong thời đại công nghệ thay đổi rất nhanh, chọn công ty trong ngành bạn phải cân nhắc thêm yếu tố sáng tạo. Nếu ngành triển vọng tốt mà hoạt động theo cách cũ có thể không hiệu quả”.
Dầu khí sẽ tăng mạnh?
Khi được hỏi thêm về dự báo giá dầu và triển vọng ngành dầu khí, các khách mời đã chia sẻ rất rõ ràng quan điểm đầu tư vào ngành này. Lucas Trader, vẫn trong nhận định bi quan về kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2018 cho rằng khi lạm phát tăng, giá nguyên vật liệu (commodity) trong đó có dầu khí sẽ tăng, thậm chí sẽ tăng rất mạnh vì ngoài các yếu tố cơ bản còn có yếu tố đầu cơ. Về phân tích kỹ thuật thì giá dầu nếu vượt 60$ có thể sẽ tăng rất mạnh, thậm chí đạt 80$.
Theo vị này, giá nguyên vật liệu nói chung đều xuất hiện điểm cắt vàng (golden cross), tức MA 50 cắt lên MA200 từ tháng 11, tức đã vào xu hướng tăng. Tuy nhiên để khẳng định vẫn phải quan sát thêm ở vùng giá 60.
Anh Lã Giang Trung thì có quan điểm “không nên dự báo giá dầu, vì gần như không có ai dự báo đúng cả, thay vào đó hãy xem giá dầu hiện tại như thế nào thì hành động theo. Hầu hết các doanh nghiệp dầu khí trên sàn là doanh nghiệp dịch vụ và đều có một ngưỡng mà công ty có thể hoạt động ổn, đâu đó rơi vào vùng giá dầu khoảng 55-60. Nếu giá trong và trên vùng này thì các công ty dầu khí sẽ tốt.”