Từ ngày 01/01/2018, tội thao túng giá chứng khoán thu lợi hơn 500 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự, thị trường sẽ bớt đi các “Cổ phiếu điên”?

Chiều ngày 27/12/2017, thị trường chứng khoán được một phen xôn xao khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước công bố vụ xử phạt hành chính có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Bà Đỗ Thị Cẩm Thúy – Cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP Khoáng sản Đá Spilit (SPI) đã sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán để mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu SPI trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2015 đến ngày 13/5/2016.

Thời gian đó, SPI được gọi là “Cổ phiếu điên” với quá trình tăng rất sốc dù hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khoáng sản không quá nổi bật.

Chưa đủ căn cứ để khởi tố bà Thúy theo Điều 181c Bộ Luật Hình sự 1999 (tội thao túng chứng khoán), UBCKNN đã xử phạt hành chính 600 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 9,3 tỷ đồng.

Sự việc nói trên khiến cho những người thờ ơ nhất cũng phải quan tâm đến việc: Từ ngày 01/01/2018, hành vi thao túng giá cổ phiếu thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Tại sao TTCK Việt Nam mới chỉ có 2 vụ khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán?

Vụ việc bà Nguyễn Vân Giang (nguyên là Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á – Chi nhánh Hà Nội) bị khởi tố hình sự với tội danh “Thao túng giá chứng khoán” theo quy định tại Điều 181c, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009 – là vụ án khởi tố hình sự thứ 2 trên TTCK trong gần 10 năm qua, sau vụ việc tại CTCP Dược Viễn Đông.

Hành vi thao túng giá chứng khoán thực tế không lạ đối với giới đầu tư, tuy nhiên ít trường hợp bị khởi tố bởi theo quy định pháp luật đang có hiệu lực là Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì căn cứ xác định tội phạm là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, đối tượng bị khởi tố hình sự khi (1) xác định có hành vi thao túng, (2) xác định có thu lợi bất chính, (3) xác định đối tượng bị thiệt hại.

Trong khi yếu tố (1) và (2) có thể xác định thì việc xác định đối tượng bị thiệt hại nghe tưởng dễ lại thành khó khi thông thường ít có nhà đầu tư đứng ra tố cáo, hoặc có thể các bên đã sử dụng giải pháp đàm phán, bù đắp thiệt hại “đằng sau” với nhau để tránh bị khởi tố.

Từ ngày 01/01/2018, mọi chuyện sẽ khác?

Trước thực tiễn nói trên, Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) được bổ sung thêm các tội: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212).

Một nội dung quan trọng là quy định đối với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán” đã được bổ sung thêm căn cứ xác định tội phạm là “thu lợi bất chính”: Trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.

Điều đó có nghĩa là so với luật hiện hành, yếu tố xác định tội phạm mở rộng hơn, nếu không xác định được mức thiệt hại cho nhà đầu tư thì có thể căn cứ vào mức thu lợi bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng – 1,5 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng – 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 7 năm tù giam.

Trước thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 đi vào hiệu lực, thị trường đã ghi nhận hàng loạt vụ phạt hành chính của UBCKNN đối với hành vi thao túng giá chứng khoán với những mức phạt lớn hơn nhiều so với những năm trước đây. Động thái này được đánh giá là động thái giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán và từ năm 2018, với quy định mới, thị trường cũng kỳ vọng sẽ không còn các “cổ phiếu điên” tăng trần hàng chục phiên liên tục rồi lao dốc không phanh dù hoạt động kinh doanh không có gì đặc biệt.

Tội thao túng thị trường chứng khoán được quy định, hướng dẫn tại Điều 211 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Kỷ lục buồn cuối năm 2017: Sếp cũ của Đá Spilít thao túng giá cổ phiếu SPI, chưa đủ căn cứ để khởi tố nhưng đã bị phạt gần 10 tỷ đồng

Bài viết mới