LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Bùi Đức Cường – cựu thành viên Trung tâm kiểm soát tín dụng (CCA) và Trung tâm thanh toán & Tài trợ thương mại (GTS) ngân hàng Techcombank gửi tới cuộc thi viết: Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức.
—————————
Trải qua hơn 5 năm làm ngân hàng, tôi không thể tính đếm được đã bao nhiêu lần đương đầu với những giao dịch phức tạp làm cả buổi không xong, những hôm bước ra khỏi tòa nhà Hội sở lúc 9-10h đêm, nhìn cảnh người người nườm nượp đi chơi mà không khỏi chạnh lòng. Giờ đây, tuy không còn là một nhân viên ngân hàng nữa nhưng tôi mãi trân trọng và cảm ơn khoảng thời gian quý báu đó, đã rèn luyện nên tôi của ngày hôm nay, bản lĩnh, kiên tâm và luôn tâm niệm mang đến niềm vui cho những người tôi gặp.
Tôi đến với ngân hàng như một cái duyên tiền định, mà có lẽ bởi như thế, con đường tôi trở thành một banker cứ như được trải hoa hồng.
Thời tôi còn nhỏ, ông ngoại vẫn cứ hay trêu tôi nửa đùa, nửa thật: “Cháu ông sau này nhớ theo nghề kỹ sư, nghề bác sĩ nhé, chứ theo nghề khác thì chẳng làm lãnh đạo được đâu”. Có lẽ phần vì ông thấy điều đó trong lá số tử vi, sự từng trải cuộc đời, phần vì tôi giỏi toán, thích cắt dán thủ công, hay tự làm đồ chơi, tò mò máy móc…
Vậy mà đến cái tuổi chia tay thời trung học, tôi lại chọn ngân hàng theo nguyện vọng của phụ huynh, theo sự sục sôi của nền kinh tế giai đoạn 2005-2007 và vì một chút tự ti của bản thân mình “Chắc học kinh tế thôi, chứ nghe nói các trường kỹ thuật chương trình “nặng” lắm, có khi lại không ra được trường!”
Sự an bài bộc lộ rõ nét hơn khi sau mùa thi năm ấy, tôi trở thành một sinh viên ngân hàng với số điểm chỉ thiếu chút thôi là phải sang khoa khác.
Việc học hành khá suôn sẻ và sau 4 năm tôi bước chân khỏi giảng đường. Với kết quả học tập không tệ cộng thêm sự hướng dẫn của người cậu đã công tác 12 năm trong ngành, trong khi không ít bạn bè chật vật kiếm việc làm, tôi chỉ mất đúng 1 tháng từ khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp để trở thành một thành viên của Techcombank. Và tại đây, tôi bắt đầu cho một hành trình học tập và tôi luyện không ngừng.
Các đồng nghiệp của tác giả tại Trung tâm kiểm soát tín dụng; hỗ trợ kinh doanh (CCA) – Techcombank. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Điều đầu tiên tôi học được trong vai trò của một banker là sự kiên tâm nhẫn nại. Đồng ý là ngành dịch vụ nhưng trong mắt tôi, nghề sales tín dụng thực sự rất khác. Một cách tương đối, nếu bạn bán những thứ hữu hình như một cái tivi, một chiếc điện thoại… hay vô hình như các sản phẩm bảo hiểm thì về cơ bản, bạn bán xong là xong, chỉ khi nào chiếc tivi đó trục trặc, khi sự kiện tổn thất xảy ra thì khách hàng mới tìm đến bạn. Nhưng với sales tín dụng, sau bao nhẫn nại chào mời, tìm kiếm khách hàng, có khách rồi, cho họ vay xong chưa phải là kết thúc. Bạn phải kiên định theo các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, nhẫn nại theo sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhẫn nại đáp ứng những nhu cầu, tình huống bất ngờ, nhẫn nại định kỳ nhắc khách hàng tất toán khoản vay và nhẫn nại xử lý thu hồi khi họ mất khả năng thanh toán… Điều bù lại là bạn sẽ được giao thiệp được với rất nhiều chủ doanh nghiệp, hiểu được hoạt động kinh doanh của rất nhiều ngành nghề, tích lũy được vô số kỹ năng và tạo cho mình rất nhiều cơ hội tốt.
Ở các vị trí backoffice, chữ Nhẫn lại biểu hiện dưới một góc độ khác. Đó là việc bạn phải luôn nhẫn nại đáp ứng các nhu cầu của chi nhánh, nhẫn nại soạn thảo nghiêm chỉnh các bộ hợp đồng, kiểm tra tỉ mỉ các bộ chứng từ xuất nhập khẩu, phát đi chính xác các điện LC,…và tuân thủ hàng tá quy trình, quy định. Chỉ một sự sai sót nhỏ thôi cũng có thể gây ra những hậu quả không dễ gì khắc phục.
Điều thứ hai nghề ngân hàng mang lại cho tôi là sự tự tin và năng động. Khi đã trở thành nhân viên một ngân hàng, không khó để bạn tìm kiếm các khóa đào tạo nội bộ về các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, teamwork … và ở cấp độ cao hơn là các kỹ năng điều hành, quản trị.
Thấm nhuần các khóa học đó xong, cộng thêm với sự hướng dẫn của các anh/chị đồng nghiệp, nếu bạn không muốn xông pha ra “chiến trường sales” thì chí ít cũng xông pha các chương trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nơi bạn có thể tự do thể hiện bản thân tùy theo khả năng và tố chất. Đó là những event từ nhỏ tới lớn, những phi vụ teambuilding, những chương trình cải tiến, các câu lạc bộ thể thao, phóng viên, âm nhạc, nhiếp ảnh… Ngồi đây viết ra những dòng chia sẻ, đâu đó trong tâm trí tôi vẫn gợi nhớ hình ảnh về những buổi tập văn nghệ ngày chủ nhật, những chuyến đi làm từ thiện, những tối ngồi viết báo đến khuya và những hôm sản xuất video mà cười ra nước mắt…
Và trên tất cả, nghề ngân hàng nuôi dưỡng trong tôi sự cảm thông và trái tim hướng đến mọi người. Nếu không có sự chân thành và sẻ chia, sẽ không dễ để bạn tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó với khách hàng, sẽ rất khó để bạn có thể vui lòng ngồi lại vài tiếng sau giờ tan ca để đáp ứng nhu cầu đơn vị, cũng không thể tạo lên được một tập thể vững mạnh, nhiệt huyết cùng theo đuổi một mục tiêu chung và chắc chắn cũng khó nhận được sự đồng cảm của vợ/chồng, người thân khi thường xuyên đi từ sáng sớm đến tối mịt, ở công ty nhiều hơn ở nhà.
Xem tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Còn nhiều lắm những điều tôi không thể kể hết… Tựu chung lại, với tôi, nghề ngân hàng là như vậy, đó là nơi đan xen giữa những niềm vui, nỗi buồn, những nụ cười và nước mắt, giữa những góc tối mênh mang và vinh quang không kém phần sáng chói…
Đã có lúc bắt gặp những khó khăn, những nỗi niềm mà tưởng chừng như tôi không thể vượt qua, nhưng ý chí và tình đồng nghiệp đã giúp tôi vững vàng bước tới. Sau này khi thời gian qua đi nhìn lại, mọi thứ trải qua cứ như một giấc mơ, điều đọng lại chỉ còn là những ký ức đẹp ẩn sau bên trong một con người đã dạn dày và bản lĩnh hơn rất nhiều theo năm tháng.
Nhiều người hỏi tôi, làm ngân hàng cực không? Tôi trả lời làm ngân hàng cực lắm! Nhưng có vui không? Tôi khẳng định là vui lắm! Nếu thời gian cho tôi lựa chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn ngân hàng, vẫn chọn Techcombank cho quãng đường 5 năm đó.
Đâu đó, tôi biết rằng có nhiều bạn trẻ ngoài kia đang băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Họ không biết khả năng mình tới đâu? Phù hợp làm nghề gì?… Hãy cố gắng lựa chọn một con đường đúng đắn, nó sẽ tiết kiệm thời gian cho các bạn rất nhiều! Nhưng nếu chưa thực sự tìm thấy con đường mình đi, bạn có thể xem xét ngân hàng như một khởi đầu tiến bước. Và tôi tin sau 4-5 năm nỗ lực, câu trả lời sẽ sớm hiện ra, bởi khi đó bạn cũng đã trở thành một con người năng động, kiên tâm và vững vàng bản lĩnh.