Số ngân hàng lên sàn nhiều nhất kể từ 2008
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là hết năm 2017, tuy nhiên không khí lên sàn của các ngân hàng vẫn sôi sục.
Theo thông báo mới đây, Ngân hàng Bắc Á (BacABank) sẽ đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM vào ngày 28/12. Tiếp sau đó, HDBank sẽ niêm yết cổ phiếu tại sàn HoSE vào ngay những ngày đầu tháng 1/2018.
Trước đó, tính từ đầu năm cũng đã có tới 4 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Đầu tiên là VIB với việc chào sàn UpCOM ngày 9/1, tiếp theo là KLB của Kienlongbank vào 29/6. Vào ngày 17/8, VPBank là ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn thứ 3 trong năm 2017, nhưng là ngân hàng đầu tiên niêm yết tại HoSE kể từ năm 2014 tới nay. Ngày 5/10, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng chào sàn UpCOM.
Như vậy chỉ tính riêng năm 2017 đã có tới 5 ngân hàng lên sàn – con số nhiều nhất kể từ năm 2008.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Việc các ngân hàng lên sàn ồ ạt không phải là ngẫu nhiên mà đằng sau đó có nhiều lý do. Đầu tiên là xét về áp lực từ phía các cơ quan quản lý, mà theo đánh giá của công ty chứng khoán HSC trong một báo cáo hồi quý 3, là bao gồm: việc niêm yết giúp nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin của các ngân hàng; Áp dụng quy chế thị trường; Chỉ những ngân hàng có tình hình tài chính tốt mới huy động được thêm vốn; Tạo điều kiện để cơ quan quản lý đưa những ngân hàng không niêm yết sau một thời gian quy định vào danh sách theo dõi đặc biệt nhằm đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu…
Về yếu tố nội tại xuất phát từ chính bản thân các ngân hàng, bao gồm: Khả năng tiếp cận với nhà đầu tư ngoại để nâng vốn cấp 1 trước khi Basel 2 được áp dụng; Nâng cao danh tiếng và giúp các ngân hàng nâng vốn cấp 2 hoặc phát hành trái phiếu ra nước ngoài; Ngân hàng không niêm yết sẽ ít được ưu tiên hơn trên thị trường…
Dù là với lý do gì đi chăng nữa, thì tựu chung lại thời gian qua việc các ngân hàng lên sàn đã diễn ra vô cùng thuận lợi, được đầy đủ cả thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa.
Thiên thời, đó là bức tranh nền kinh tế đã sáng lên, ngành ngân hàng phát đi nhiều tín hiệu lạc quan sau giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Địa lợi, đó là thị trường chứng khoán bùng nổ với chỉ số VnIndex lên mức cao nhất trong vòng 10 năm, trong đó cổ phiếu ngân hàng quay về thời “cổ phiếu vua” dẫn dắt thị trường trong nhiều giai đoạn, nhà đầu tư đã háo hức hơn với những cổ phiếu trên sàn. Còn nhân hòa là bản thân các ngân hàng hoạt động tích cực lên rất nhiều, với lợi nhuận tốt nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nợ xấu giảm mạnh, và đặc biệt bản thân các ông chủ ngân hàng cũng sẵn sàng hơn với việc minh bạch hóa thông tin.
Nhờ tổng hợp được tất cả các yếu tố nên cổ phiếu các ngân hàng lên sàn cũng thuận lợi với giá cao hơn nhiều so với mong đợi, thanh khoản tích cực. Không chỉ thu hút được nhà đầu tư nội mà nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia thị trường tích cực, với điển hình là VPBank và HDBank ghi nhận giá bán lần lượt là 39.000 đồng/cổ phiếu và 32.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu như VIB, LPB, KLB sau khi lên UpCOM cũng được nhà đầu tư ngoại mua ròng với khối lượng đáng kể.
Kỳ vọng nhiều ở năm 2018
2017 có thể đánh giá là năm thành công rực rỡ nhất của cổ phiếu ngân hàng nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung trong nhiều năm trở lại đây.
Khởi đầu năm 2018, sau HDBank rất có thể sẽ đến lượt Techcombank khi ngân hàng này cũng đã có thời gian chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc niêm yết. Một ứng viên nữa là TPBank cũng sẽ sớm được xướng tên trên sàn trong vài tháng tới khi ngân hàng này đến thời điểm này đã nộp xong hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán. OCB cho biết cũng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn HNX trong nửa đầu năm 2018.
Theo nhận định của công ty chứng khoán HSC hồi tháng 8/2017 thì tính từ thời điểm ấy cho đến hết năm 2018 sẽ có khoảng 11 ngân hàng niêm yết. Nếu dự báo này là đúng thì trong năm sau sẽ ghi nhận một làn sóng ồ ạt hơn nữa các cổ phiếu ngân hàng góp mặt trên sàn chứng khoán.
Việc cổ phiếu lên sàn rõ ràng không chỉ giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn mà còn giúp các ngân hàng huy động vốn dễ dàng hơn, hoạt động minh bạch hơn, đúng chuẩn hơn, qua đó giúp hình thành nên một hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn và hội nhập tốt hơn với thị trường tài chính quốc tế.