Năm “hốt bạc’ của Dragon Capital
Năm 2017 sắp khép lại với một kịch bản đẹp nhất trong 10 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với lượng mua ròng theo thống kê chưa đầy đủ của UBCKNN vào khoảng 1,8 tỷ USD, chưa kể hàng loạt thương vụ NĐT nước ngoài rót tiền gom cổ phiếu từ các đợt phát hành riêng lẻ và chào bán cổ phiếu của hàng loạt DN lớn diễn ra trong năm, các nhà đầu tư nước ngoài đang được xem như là ‘công thần’ cho đợt bứt phá mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua của TTCK.
Thị trường đi lên, các quỹ đầu tư đã rót tiền vào thị trường VN đang đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất từ trước đến nay, tạo thêm sức hút dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ về VN. Dragon Capital, nhà quản lý quỹ lâu đời nhất tại VN trong năm vừa qua đã rất thành công về mặt quản lý tài sản và đón nhận sự quan tâm rót vốn của các NĐT mới. Tháng 9/2017, truyền thông Hàn Quốc cho biết hai nhà đầu tư gồm Caldera Pacific của Hồng Kông và Samsung Securities đã mua 40% cổ phần của nhà quản lý quỹ lớn nhất VN với tổng tài sản trị giá hơn 2,3 tỷ USD. Điều này cho thấy Việt Nam đang là một trong những điểm đến ưu thích của các NĐT NN trong năm nay.
Năm 2017 tiếp tục là năm mà Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) – quỹ đầu tư lớn nhất thuộc quản lý của Dragon Capital đạt được hiệu suất hoạt động vượt trội so với thị trường. Đến 20/12, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của VEILđã tăng vọt lên con số 1,514 tỷ USD, tăng 55,8% so với mức 975 triệu USD tại thời điểm 31/12/2016. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ VEIL đạt 6,82 USD/ccq, tăng 53,6% so với mức 4,48 USD/ccq so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2016.
Tài sản của quỹ lớn nhất thuộc quản lý của Dragon Capital đã vượt 1,5 tỷ USD
Những thương vụ đình đám
Tăng trưởng mạnh trong năm qua, ngoài cái tên quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong danh mục của hầu hết các quỹ là cổ phiếu VNM của Vinamilk hay một số cổ phiếu khác như MWG của Thế giới Di Động, HPG của Hòa Phát hay GAS của Tổng Công ty Khí VN, các thành viên của Dragon Capital thực sự là cái tên nổi bật nhất trong các thương vụ IPO, chào bán cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn trong năm vừa qua.
Đầu năm 2017, trong khi các nhà đầu tư đang còn mãi mê tranh luận về hoạt động kinh doanh của hãng hàng không VietJet Air thì Dragon đã nhanh tay rót khoảng 980 tỉ đồng mua khoảng 11,5 triệu cổ phiếu Vietjet (VJC) trong đợt phát hành trước lúc lên sàn HOSE. Với giá cổ phiếu VJC tăng gấp đôi sau khi lên sàn, hiện khoản đầu tư này đang là xếp thứ 10 trong danh sách các khoản đầu tư lớn nhất của VEIL và đóng góp lớn vào kết quả của quỹ này trong năm nay.
Thế Giới Di Động đã vượt Vinamilk trở thành khoản đầu tư dẫn đầu 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL đến 21/12/2017.
Dragon Capital cũng tỏ ra vô cùng ưa thích các cổ phiếu của DNNN nhóm đầu ngành thuộc lĩnh vực hạ tầng và bất động sản thực hiện IPO hoặc thoái vốn. Một trong những thương vụ đình đám diễn ra trong nửa đầu năm nay là các thành viên của Dragon Capital gồm VEIL, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (VEUF), Norges Bank, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Aquila SPC Ltd, Auriga SPC Ltd, Draig Ltd, Idris Ltd, Seren Ltd, Vela SPC Ltd đã mạnh tay chi gần 1.000 tỷ đồng mua gần 59,5 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera trong đợt chào bán diễn ra vào cuối tháng 5/2017. Với giá vốn trên dưới 16.000 đồng/cp, nhóm DC đang lãi 50% từ thương vụ đầu tư này.
Nhóm DC cũng được cho là đã tham gia đấu giá cổ phần của IDICO – một trong những DN lớn trong ngành hạ tầng và đặc biệt là sở hữu những khu công nghiệp lớn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong đợt IPO diễn ra vào đầu tháng 10. Với sự tham gia của DC cùng khối ngoại, đợt IPO của IDICO đã rất thành công với giá trúng bình quân gần 24.000 đồng/cp, tăng 33% so với giá khởi điểm.Giá cổ phiếu VGC hiện giao dịch trên sàn UpCom ở mức giá 28.000 đồng/cp.
Ở lĩnh vực bán lẻ, không chỉ dồn lực gom cổ phần MWG và đưa cổ phiếu này dẫn đầu danh mục của mình, VEIL cùng các thành viên khác của Dragon Capital đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn nắm 20% vốn của FPT Retail – đơn vị quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ di động FPT Shop trong đợt chào bán của tập đoàn FPT tháng 8/2017. Đây dự kiến cũng sẽ là một thương vụ đầu tư lãi lớn của nhóm Dragon khi gần đây cổ phiếu FPT Retail trên thị trường OTC liên tục tăng mạnh và khan hiếm nguồn cung. Tập đoàn FPT hiện đang có kế hoạch chào bán ra công chúng thêm 10% cổ phần nữa để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 45% trước khi đưa FPT Retail lên niêm yết tại sàn HOSE vào năm 2018.
Như hầu hết các quỹ khác, nhóm DC luôn dành một phần tiền cho bất động sản. Bên cạnh khoản đầu tư lớn nhất vào cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền, nhóm DC cũng đầu tư lớn vào cổ phiếu DXG của Đất Xanh, CII của Phát triển Hạ tầng Tp.HCM và đặc biệt là cổ phiếu DIG của DIC Corp khi Bộ Xây Dựng thoái vốn. Mới đây, DC cũng đầu tư 15% vốn và trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).
Bên cạnh những khoản đầu tư vào những đợt phát hành, nhóm DC cũng cho thấy mình thực sự là những ‘tay chơi’ lướt sóng ‘không phải dạng vừa’ trong năm qua. Trong đó, chẳng hạn như quyết định bán bớt cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen và mua NKG của Thép Nam Kim, bán bớt cổ phiếu FPT dồn sang MWG của Thế Giới Di Động, bán SSI mua VCI của chứng khoán Bản Việt,…
Dẫu vậy, không phải quyết định đầu tư nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn. Chẳng hạn như quyết định bán ra cổ phiếu PVS trước đợt tăng giá mạnh của cả nhóm dầu khí thời gian gần đây cũng không khác gì mấy so với tình cảnh mà các nhà đầu tư cá nhân vẫn hay gặp phải. Trước đó, nhóm này đã mua vào 760.000 cổ phiếu PVS, nâng lượng sở hữu cả nhóm lên 36,48 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 8,16% từ giữa tháng 4/2017. Tuy nhiên, sau một thời gian cổ phiếu PVS lình xình, đến giữa tháng 9/2017, nhóm DC đã liên tục bán ra và giảm sở hữu tại PVS xuống còn 21,88 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,88%.