CTCK Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra báo cáo chiến lược thị trường năm 2018 với tiêu đề “Sóng sau xô sóng trước”.
Theo VDSC, Việt Nam đang bước vào năm thứ ba hay ½ chặng đường nhiệm kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc (2016 – 2021). Sự gấp rút của Chính Phủ đương nhiệm trong xử lý những “tồn tại” của quá khứ, đồng thời mở đường cho tương lai, mà 2018 là một năm bản lề quan trọng. Trong một giai đoạn đặc trưng như hiện tại, mỗi thành phần tiêu biểu trong nền kinh tế dường như đều đang tham gia vào những “cuộc chơi lớn” mà Chính Phủ là “người kiến tạo”.
Chính Phủ củng cố lòng tin của giới doanh nhân trong nước và quảng bá, xây dựng hình ảnh Việt Nam đối với giới đầu tư nước ngoài. Hai nội dung nổi bật ở vai trò này là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và nâng tầm vị thế nền kinh tế quốc gia mà điển hình là nỗ lực chạy đua nâng hạng TTCK Việt Nam.
Cuộc đua thăng hạng sẽ mang lại những tác động tích cực lên người tham gia thị trường chứng khoán như (1) Cơ sở hạ tầng thị trường đã được cải thiện với các sản phẩm mới: phái sinh trong năm 2017 và chứng quyền có bảo đảm trong năm 2018; (2) Các tiêu chí quan trọng khác, “mở cửa cho FO”, sẽ được đẩy nhanh vào năm 2018 như R&D trong giao dịch trong ngày (T+0), dịch vụ cho quỹ mở, quỹ hưu trí…
Mặc dù quá trình để Việt Nam nằm trong thị trường mới nổi vẫn còn dài nhưng việc có nhiều sản phẩm và cơ sở hạ tầng tốt hơn làm Việt Nam trở nên thu hút giữa các thị trường cận biên. Ngoài ra, nhiều sản sản phẩm và các công ty niêm yết có chất lượng hơn sẽ giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
Trong năm 2018, NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu (hay chính là xử lý các bất động sản là tài sản đảm bảo), đồng thời gián tiếp tăng tính hấp dẫn đối với các khoản thoái vốn Nhà nước đang diễn ra.
Các DN bất động sản tận dụng môi trường lãi suất thấp, tích cực “sản xuất” và bán hàng ra thị trường, trong khi các ngân hàng tranh thủ phát hành tăng vốn, “làm sạch” bảng cân đối trước khi bước vào chiến lược kinh doanh bền vững hơn và chuẩn bị sẵn sàng áp dụng Basel 2 (đầu 2019).
VDSC cũng cho rằng trong năm 2018 sẽ là đỉnh điểm của Thoái vốn Nhà nước và IPOs. Qua đó, thị trường sẽ đón nhận nhiều công ty niêm yết hơn, cổ phiếu được tự do giao dịch nhiều hơn nhờ vào chính sách hỗ trợ IPO, thoái vốn nhà nước, cổ phiếu niêm yết mới.
Trong năm 2018 ước tính có 181 công ty sẽ thoái vốn, chiếm 70% tổng số công ty dự kiến sẽ được thoái vốn trong giai đoạn 2018-2020.
Để hoàn thành kế hoạch thách thức này, Chính phủ đã điều chỉnh nhiều khung pháp lý (Nghị định 126 và Dự thảo Nghị định 91) nhằm tạo sự linh động và khả thi cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình đấu thầu.
Với sự thành công của 2 thương vụ lớn trong năm 2017, VNM và SAB, VDSC cũng kỳ vọng rằng nhà nước sẽ có kinh nghiệm thực hiện tiến trình thoái vốn nhà nước với các giao dịch lớn sau đây (ACV, GAS, PLX, Genco, Sawaco,…).
Cuối cùng, định hướng xuất khẩu “tại chỗ” bằng du lịch và dịch vụ (cho khối FDI) sẽ tạo động lực mở rộng và phát triển cho các “ông lớn” trong các lĩnh vực từ hạ tầng, điện nước, xây dựng, logistic, phụ trợ đến HoReCa (Nhà hàng, khách sạn, và dịch vụ ăn uống).
VnIndex có thể tăng gần 70% nếu được đưa vào shortlist nâng hạng trong năm 2018
VDSC cho rằng thanh khoản thị trường trong năm 2018 sẽ tăng nhờ vào: (1) “nguồn cung” và “nguồn cầu” nhiều hơn, (2) nới lỏng tiền tệ, (3) sản phẩm mới như Chứng quyền có bảo đảm và cơ chế giao dịch T+0. Tổng giá trị giao dịch mỗi phiên có thể đạt từ 5.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng.
VDSC cũng đưa ra dự báo VnIndex sẽ tăng trưởng từ 17-19% trong năm 2018 trong trường hợp P/E vẫn duy trì bình thường, tăng trưởng thu nhập các doanh nghiệp ở mức 17-19%. Còn với trường hợp được đưa vào shortlist nâng hạng thị trường trong năm 2018, VnIndex có thể tăng mạnh 45-67%, tương ứng P/E tăng trưởng 25-40%.