Giải quyết dứt điểm 2 vấn đề then chốt
Trao đổi với PV, PGS Bùi Hiền , nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, tác giả đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt gây xôn xao trong thời gian qua cho biết, sau phần một cải tiến phụ âm “tiếq Việt”, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và đến nay đã xong phần 2.
Ban đầu, ông dự định công bố trọn vẹn bảng nghiên cứu, gồm 2 phần vào tháng 3/2018 nhưng sau đó quyết định công bố sớm hơn thông tin.
Theo PGS Bùi Hiền, phần thứ nhất đã công bố mới chỉ đề cập cải tiến hệ thống phụ âm theo đúng nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt”.
Trong phần thứ hai, PGS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của tiếng Việt.
Tác giả tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc “một âm vị – một chữ cái”.
Có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.
Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) tiếng Việt (Thủ đô Hà Nội) của PGS Bùi Hiền gồm 33 đơn vị.
Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a – b – c. Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ Quốc ngữ cũ.
Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Theo PGS Bùi Hiền, cải tiến chữ Quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng Thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi.
Về chữ viết, cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La-tinh không có.
Đây chỉ thuần túy cải tiến cách quy định cho những ước lệ mới giữa các chữ cái (kí tự) với các âm vị tương ứng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc ” 1 âm – 1 chữ, 1 chữ – 1 âm”, nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị, vốn là nguồn gốc của các lỗi chính tả như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph).
Hiệu quả của nghiên cứu
Theo PGS Bùi Hiền, từ nghiên cứu này sẽ giúp dễ học, dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết.
Giản hóa tới mức tối đa cách viết, loại bỏ hết phụ âm ghép 2-3 chữ cái (ch, tr, ng, ngh, gh, kh, nh, ph) và các lỗi chính tả (d –gi – r, s – x, ch – tr) hiện đang gặp phải ở mỗi người.
Đồng thời, theo ông “nạn mù chữ” sẽ được giải quyết triệt để chỉ trong vòng 1-2 ngày đối với những người đã biết chữ Quốc ngữ hiện hành. Với học sinh lớp 1 và người dân tộc sẽ rút ngắn được thời gian “vỡ lòng” (biết đọc, biết viết) xuống ít nhất một nửa so với học chữ cũ.
PGS Hiền cũng nêu rõ, bảng chữ cái cải tiến sẽ là công cụ sắc bén hơn, tiện lợi hơn cho công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay, người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn, dễ tiếp cận với nền kinh tế, văn hoá, khoa học Việt Nam hơn.
Và ngược lại Việt Nam cũng dễ làm cho bạn bè mau hiểu Việt Nam, chóng có cảm tình với tiếng nói và chữ viết của người Việt hơn.
Ngoài ra, sử dụng cải tiến này sẽ tiết kiệm được khoảng 9% thời gian, công sức, tiền của, vật tư, tài nguyên số trong việc xây dựng tất cả các loại văn bản bằng viết tay hoặc gõ bàn phím. Điều này cũng có nghĩa là làm tăng năng suất lao động hàng năm tới 8-9%, làm lợi cho nền kinh tế của cả nước và của từng người.
“Việc cải tiến chữ Quốc ngữ này để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Đặc biệt tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học”, PGS Bùi Hiền nêu rõ.
PGS Bùi Hiền “rất tiếc vì việc đưa ra không đúng lúc, không đúng thời và không đúng cách”