Tính ra, mức giá nhập khẩu trung bình của điều thô nguyên liệu những tháng vừa qua cũng tăng mạnh lên 1.934 USD/tấn, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ là 1.500 USD/tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về sự tăng trưởng đột biến này, ông Đặng Hoàng Giang- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho hay, sự tăng trưởng vừa qua là cao nhưng không quá bất thường. Theo lý giải của lãnh đạo VINACAS, sở dĩ nguyên liệu nhập tăng mạnh do dự báo được đưa ra từ đầu năm là các vùng nguyên liệu quan trọng cả ở trong nước và trên thế giới như khu vực Tây Phi bị mất mùa. Vì vậy, các DN có tâm lý tăng nhập nguyên liệu để dự trữ phục vụ kế hoạch sản xuất cả năm. Mặt khác, hiện có cả DN Trung Quốc đặt cơ sở gia công tại Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến nguyên liệu nhập của năm nay tăng mạnh.
Chính nhu cầu nhập nguyên liệu tăng cao cũng đẩy gia thu mua lên so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoàng Giang, hiện cơ bản vụ thu hoạch điều nguyên liệu ở trong nước và các khu vực quan trọng trên thế giới đã xong nên việc nhập khẩu trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ không nhiều như thời gian qua.
“Theo dự tính của tôi, cả năm nay lượng nguyên liệu nhập khẩu ước đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng hơn 200 nghìn tấn so với năm 2016 (theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 cả nước nhập 1,038 triệu tấn điều nguyên liệu, tổng trị giá kim ngạch 1,658 tỷ USD-PV)”- ông Đặng Hoàng Giang nói.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam, tình hình sản xuất, kinh doanh năm nay của ngành Điều nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài việc tăng sản lượng, mức giá nguyên liệu nhập khẩu như đề cập ở trên, thì sản lượng xuất khẩu những tháng vừa qua cũng gần như không tăng so với cùng kỳ 2016.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết: Điểm sáng đáng đáng chú ý trong hoạt động của ngành Điều thời gian qua là tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, kéo theo đó mức giá xuất khẩu trung bình cũng cao hơn năm ngoái.
Cụ thể, theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến 15/8, cả nước xuất khẩu 205.455 tấn, với tổng trị giá kim ngạch đạt 2,025 tỷ USD (cùng kỳ xuất khẩu 206.734 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt 1,606 tỷ USD). Như vậy, mức giá xuất khẩu bình quân năm nay đạt 9.856 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 7.768 USD/tấn.