Thủ tướng làm việc với Tổ tư vấn, chuyên gia đề nghị quản lý tiền ảo Bitcoin

Ngày 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcđã làm việc với Tổ tư vấn kinh tế nhằm nhìn lại kết quả hoạt động năm 2017 và định hướng hoạt động năm 2018 của Tổ tư vấn.

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe góp ý về các biện pháp điều hành, nhất là về phương châm năm 2018 như “hành động, liêm chính, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”.

Thủ tướng làm việc với Tổ tư vấn kinh tế – Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng khẳng định Chính phủ hành động thì Tổ tư vấn cũng phải là “Tổ tư vấn hành động” và đề nghị trao đổi cách thức làm việc trong tổ chất lượng hơn, kịp thời hơn.

Các thành viên của Tổ tư vấn đều đánh giá năm 2017 là năm có nhiều cải cách và đạt kế quả khá thành công khi 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng mà theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đạt mức mà ông không hề nghĩ tới. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ có yếu tố quyết định đối với kết quả này.

GS.TS. Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp) cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt kiều quan tâm đầu tư về Việt Nam. TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có cùng ý kiến, cho rằng tâm lý đầu tư, niềm tin từ phía nước ngoài rất tốt, giúp thị trường vốn tăng trưởng mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, ông cảnh báo tăng trưởng nhưng phải bền vững, tránh tăng quá nóng, nhiều rủi ro.

Tại cuộc làm việc, các thành viên Tổ tư vấn góp ý nội dung dự thảo Nghị quyết 01 về các biện pháp chỉ đạo, điều hành năm 2018 của Chính phủ và một số vấn đề khác của nền kinh tế. Các ý kiến cũng cho rằng, thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco vừa qua là thành công và đặt vấn đề là làm sao sử dụng đồng tiền thu về có hiệu quả, minh bạch. Có ý kiến kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp quản lý đối với tiền ảo Bitcoin với nhiều nguy cơ “bong bóng”.

Nhất trí với các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đánh giá năm 2017 đạt kết quả tương đối toàn diện, Thủ tướng bày tỏ trăn trở về những khó khăn, tồn tại, bất cập và thử thách trước mắt còn lớn, kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra… Đánh giá cao sự cố gắng, nhiệt huyết của Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị không chỉ tư vấn về kinh tế vĩ mô mà cả các lĩnh vực khác của sự phát triển kinh tế-xã hội bởi có nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề “cần làm gì để cả 3 khu vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) đóng góp cho tăng trưởng”.

Đồng ý về một số chuyên đề sâu trong năm 2018 của Tổ tư vấn, Thủ tướng đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế-xã hội một cách chủ động, nhạy bén để kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, tư vấn với Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ, không để tình trạng kéo dài, phức tạp thêm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng dẫn ví dụ như vấn đề trạm BOT Cai Lậy, một vấn đề nóng của xã hội hay một số vấn đề cổ phần hóa mà xã hội quan tâm…

Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tiếp tục dành thêm thời gian, nâng cao hơn nữa chất lượng tư vấn, lưu ý tính kịp thời, thực tiễn, khả thi trong điều kiện hoàn cảnh thể chế, kinh tế-xã hội của nước ta. Cần làm tốt vai trò tư vấn, phản biện, đánh giá chính sách. Chủ động theo dõi, tham gia ý kiến về dự thảo chính sách để quyết định của Thủ tướng được đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình.

Trước tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hiện nay của bộ máy, Thủ tướng mong muốn Tổ tư vấn hiến kế về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn.

“Công cụ gì, thể chế nào, chế tài gì phù hợp để cả hệ thống chúng ta, một bộ máy hành chính, hiệu lực, hiệu quả thực sự, có vai trò kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân. Anh nào né tránh, đùn đẩy, không dám quyết đoán thì đứng sang một bên để anh khác làm, chứ không phải lời nói và hành động của anh không đi liền với nhau”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng Tổ tư vấn kinh tế cần có hình thức duy trì sinh hoạt qua mạng, trực tuyến cho phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức. Cần đổi mới cách thức tổ chức công việc để phát huy vai trò, thế mạnh của từng thành viên, kể cả việc tổng hợp báo cáo của các thành viên gửi Thủ tướng cũng phải công phu, khoa học, tôn trọng sự khác biệt. Mỗi thành viên có thể gửi ý kiến trực tiếp đến Thủ tướng./.

Bitcoin giảm xuống dưới 13.000 USD, các nhà đầu tư nếm “phép thử cay đắng”

Bài viết mới