Thực hư về clip quay cảnh nhúng quýt vào hóa chất độc hại bán cho người ăn

Đoạn clip được quay tại một nhà kho vắng vẻ, trong đó ghi lại hình ảnh những người phụ nữ mặc trang phục đại hàn đang khiêng những thùng quýt nhúng vào một thùng lớn chứa chất lỏng (nghi có hóa chất).

Bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ, người đàn ông quay video thuyết minh, rằng những người phụ nữ này đang nhúng hóa chất “cho quýt vàng rộm” để bán sang Việt Nam. Người đàn ông quay clip liên tục nói giọng “kích động”: Kinh chưa, nhúng một chút là vàng rộm lên ngay. Không ăn cũng chết, mà ăn những quả quýt này càng chết nhanh!

Hình ảnh những người phụ nữ nhúng quýt vào các thùng nghi là hóa chất. Ảnh từ clip.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Lao Động đã liên lạc với Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) – Bộ NNPTNT để có thông tin chính thức.

Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Thông –Phó Trưởng phòng An toàn thực phẩm (Cục BVTV) cho biết: Thông tin này phải được kiểm chứng, bởi hiện tại Việt Nam đang vào mùa thu hoạch các loại quả có múi. Cam, quýt tại Việt Nam hiện đang có giá rất rẻ, nên loại trái cây này nhập khẩu vào VN rất ít.

Ông Thông cũng lưu ý người xem cần cân nhắc trước khi xem và chia sẻ những thông tin kiểu này, bởi hiện nay nông sản Việt Nam, trong đó có cam quýt đang rất dồi dào. Thậm chí, các loại cam, quýt của Việt Nam đang bán rất chậm bởi người trồng ồ ạt mở rộng diện tích. Nếu không cân nhắc cẩn thận, có thể “mắc” phải những video với mục đích không tốt.

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Trưởng phòng Quản lý Thuốc (Cục BVTV) cũng cho rằng: Nếu không qua kiểm nghiệm mẫu, không thể kết luận những thùng chất lỏng đó là hóa chất độc hại, mọi người cần thận trọng với những video chia sẻ trên mạng xã hội, tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Thùng nhựa chứa chất lỏng được cho là pha hóa chất độc hại. Ảnh từ clip.

Tuy nhiên, để tự bảo vệ sức khỏe của mình, trong khi chưa biết tính xác thực của đoạn video trên, người tiêu dùng chỉ mua những loại thực phẩm rõ nguồn gốc. Tốt nhất, các loại cam, quýt của Việt Nam đang vào mùa và bội thu, chúng ta nên dùng “mùa nào thức đấy”, vừa ngon, rẻ, lại an toàn.

Mặt khác, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, bảo vệ thực vật… cần siết chặt quản lý, kiểm tra nguồn gốc thực sự của đoạn clip nhằm trấn an và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, không để kẻ xấu tung tin thất thiệt gây thiệt hại cho người nông dân và các tiểu thương kinh doanh hoa quả.

Người tiêu dùng phát hoảng với cam quýt chi chít “đốm lạ” màu xanh, đỏ, trắng

Bài viết mới