Hình ảnh trên được ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, ví von trong một bài viết về cuộc cách mạng 4.0 trên trang cá nhân mới đây. Theo ông, đó là những nhà máy mà công nhân đã bị robot “cướp mất” việc làm và điều nghe có vẻ xa vời này, tại Việt Nam, dự đoán chỉ không quá 10 năm nữa, cũng sẽ có hàng triệu công nhân mất việc vì robot.
Trong câu chuyện với VnEconomy về nhà máy không ánh đèn (Dark Factory), ngày 21/8, ông Tiến nói:
– Thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn và cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực ảo.
Phần lớn công việc sẽ được tự động hóa, nguồn lực lao động sẽ phải chuyển dịch sang xu hướng kỹ thuật cao. Đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, việc không thay đổi và bắt kịp công nghệ có thể khiến doanh nghiệp bị đào thải, mất năng lực cạnh tranh.
“Nhà máy không ánh đèn” khi nào đến Việt Nam?
Nhưng đâu là cơ sở mà ông đưa ra nhận định sẽ có hàng triệu công nhân Việt Nam sẽ thất nghiệp trong không quá 10 năm nữa?
Những ngành như dệt may, da giày, lắp ráp… với công việc mang tính lặp đi lặp lại thì nguy cơ công nhân thất nghiệp sẽ là hiển nhiên, bởi vì người máy làm việc sẽ tốt hơn, 24×7 (24 giờ và 7 ngày), lại không có kiện cáo, không có đòi hòi, không đấu tranh, biểu tình…
Hiện robot chuẩn để lắp ráp là 250 nghàn USD. Không phải dự báo gì cả, theo tôi, giá robot chắc chắn sẽ xuống rất nhanh còn khoảng 20-30 nghìn USD khi sản xuất theo quy mô công nghiệp, thậm chí robot tác nghiệp đơn giản chỉ 5-7 nghìn USD.
Robot với giá như trên thì không có một công nhân giá rẻ nào cạnh tranh nổi.
Tôi nghĩ cùng với robot, thì công nghệ in 3D sẽ là ngày kết thúc cho hàng triệu công nhân làm giày, dệt may ở các nước châu Á như Việt Nam, Campuchia, Bangladesh…
Điều đó có nghĩa hàng triệu công nhân – nguồn lao động vẫn được gọi là giá rẻ và được xem là lợi thế của Việt Nam – sẽ là “gánh nặng” trong cuộc cách mạng 4.0 tới đây?
Lao động giá rẻ luôn luôn là ưu thế ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào. Máy móc, hệ thống máy tính nào chăng nữa thì lao động giá rẻ vẫn có lợi thế. Ở mỗi thời điểm, lao động giá rẻ sẽ được sử dụng vào mục tiêu khác nhau.
Chúng ta đã nhìn thấy sự phổ biến khi các nước lợi dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để chuyển nhà máy sản xuất, nhà máy lắp ráp sang Việt Nam. Tới đây, chúng ta có một nguồn lực trẻ, giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn thì vẫn luôn là ưu thế.
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng lần thứ tư này, thêm một điều kiện nữa với những bạn trẻ đó là cần thêm một tri thức mới nhất, tức là phải đào tạo với những kỹ năng và ngành nghề theo xu hướng mới, với thời gian rút xuống chỉ một hai năm.
Vậy có thể hiểu, những ngành đang thâm dụng công nhân với những công việc có tính chất lặp đi lặp lại như dệt may, da giày, điện tử… có đang là “cái bẫy” trong cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam?
Không. Đừng bàn chuyện bẫy gì ở đây. Xu thế cả thế giới là như vậy.
Nhưng“nhà máy không ánh đèn” theo chủ quan của ông, khi nào sẽ lan đến Việt Nam?
Tôi nghĩ “nhà máy không ánh đèn” sẽ đến sớm Việt Nam thôi.
Tôi xin không nói tên cụ thể nhưng tôi biết rất nhiều công ty lắp ráp đã có kế hoạch này. Điều đó là hiển nhiên vì nó sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thuê nhân công là con người.
Thực tế, có một nguy cơ rất lớn là sự xuất hiện của robot, của trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), dẫn đến hàng loạt các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức,… họ thay vì mang nhà máy sang những nước nghèo, nước đang phát triển thì làm luôn nhà máy tại Mỹ hay tại Đức.
Như vậy nghĩa là người ta không cần đến nguồn lao động ở những nước nghèo, nước đang phát triển nữa, lúc đấy thì nguy cơ thực sự.
Một ví dụ điển hình là hãng thời trang thể thao Nike, họ đang lặng lẽ đưa vào sản xuất nhà máy giày tại Mỹ, nơi 30 năm trước đã phải rời bỏ vì giá nhân công quá cao, các điều kiện về luật lao động quá ngặt nghèo… Nhưng giờ họ quay lại, vì lẽ đơn giản là nhà máy với con robot không bị đòi hỏi với các điều kiện như trên.
Tôi dẫn chứng Nike vì hiện có hơn 300 nghìn công nhân Việt Nam làm việc cho các nhà máy sản xuất giày cho Nike và đây có thể sẽ là một nguy cơ.
Phân tích trên để thấy rằng, cách mạng 4.0 sẽ đến ngay những nước nghèo, nước đang phát triển, đến rất nhanh. Điều này rất “ngược đời” với 3 cách mạng trước.
Vậy theo ông, ta có nên có giải pháp nào đó để làm chậm hay “đẩy lùi” “nhà máy không ánh đèn” để không đến Việt Nam sớm hơn được không?
Nó đã là xu hướng rồi, không có cách nào cả. Còn mình cố nghĩ ra giải pháp kiểu “bế quan tỏa cảng” thì họ (nhà đầu tư) sẽ chuyển sang nước khác thôi.
Dù muốn hay không thì cuộc cách mạng 4.0 là tất yếu, những người nắm bắt được sự thay đổi trước sẽ giành được lợi thế. Tôi vẫn thích cách nhìn tích cực với cuộc cách mạng này, đó là số lượng việc làm mới, ngành nghề mới sẽ nhiều hơn số bị mất đi.
Chẳng hạn tại các công ty dịch vụ phần mềm, cách mạng 4.0 sẽ mang đến hàng triệu cơ hội việc làm cho người lao động. Đây là cơ hội lớn và không giới hạn.
“Đừng nghĩ cạnh tranh với robot”
Anh có nhắc đến về sự “ngược đời” của cuộc cách mạng 4.0, rằng sẽ đến ngay với các nước nghèo, nước đang phát triển rất nhanh, cụ thể ở đây là như thế nào?
Ba cuộc cách mạng trước, mọi người đều biết nó hình thành từ các nước tiên tiến và rất lâu sau mới lan sang các nước nghèo, các nước không phát triển hoặc đang phát triển. Nhưng lần này thì rất khác, nó lan sang tất cả các nước gần như ngay lập tức.
Khái niệm 4.0 mặc dù được đề cập từ tháng 1/2015, khi Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos), ông Klaus Schwab, trình bày về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhưng thực ra cuộc cách mạng này đã diễn ra ở một số nước rồi.
Điều bất ngờ với tất cả mọi người là việc đấy diễn ra trên thế giới rất nhanh, ngay cả những nước nghèo, nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.
Đặc điểm cuộc cách mạng thứ 4 khác với ba cuộc cách mạng trước – là những nước nghèo, nước đang phát triển – sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Vì 4.0 là kết nối, là thông minh hơn, đặc biệt là trên nền tảng Internet và thế giới phẳng nên nó đến đồng thời và nhanh hơn và ở trên tất cả các nước.
Cuộc cách mạng thứ tư này, nguy cơ thì hiển nhiên rồi, nhưng nếu chúng ta thực sự nghĩ đây là cơ hội thì cơ hội đó là vô cùng to lớn.
4.0 lan nhanh, mạnh như vậy mà ở Việt Nam, đâu đó, rất nhiều người, cả những trí thức vẫn hiểu 4.0 một cách rất mông lung, thậm chí không biết gì, thưa ông?
Khi khái niệm 4.0 được nói ở Việt Nam từ tháng 4/2016, tôi nhớ chính xác mốc đấy vì chúng tôi là những người đầu tiên cung cấp tài liệu bằng tiếng Việt về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho nhiều cấp, nhưng mọi người đều nói xa vời, thậm chí cả những thí thức.
Nhưng chúng ta phải công nhận tốc độ lan truyền của nó quá nhanh. Ngay những người như chúng tôi làm trực tiếp cũng phải ngạc nhiên.
Sự phát triển của robot trong thời gian gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, về Big Data (dữ liệu lớn) là quá nhanh. Ở Việt Nam có rất nhiều kiểu biểu hiện như vậy. Nhiều công việc diễn ra nhưng chúng ta không ý thức và coi 4.0 là cái gì đó xa lạ.
Vậy theo ông, nên nhìn nhận sự phát triển quá nhanh của robot, của trí tuệ nhân tạo và Big Data sẽ tạo ra thách thức, áp lực gì cho các nước đang phát triển như Việt Nam và chúng ta cần phải có “ứng biến” như thế nào?
Là người trong ngành, tôi nhìn thấy ngay trước mắt là việc mất việc làm của hàng triệu người và rõ ràng khi hàng triệu thanh niên trẻ không có việc làm thì nguy cơ mất ổn định xã hội, nguy cơ về các tệ nạn xã hội là rất lớn.
Ở cấp độ Chính phủ, theo tôi, phải suy nghĩ ngay là trong vòng 5 – 10 năm tới phải đào tạo lại số công nhân trên như thế nào, bởi nhóm công nhân này có tuổi trung bình từ 18-25 và 10 năm nữa họ còn rất trẻ.
Những việc mà robot làm rất tốt thì đừng nghĩ có cơ hội cạnh tranh với nó.