Shark Tank tập 6 mới đây đã xuất hiện một Shark khách mời nữ thay cho Shark Lê Đăng Khoa. Chị là Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC).
Ngay lần tham gia Shark Tank đầu tiên, Shark Phi đã cùng xuống tiền với Shark Phú vào Startup Tictag, với mô hình kinh doanh chuyên cung cấp những tiện ích không giới hạn cho khách hàng trong một lần chạm, hướng tới mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp).
Với deal này, Shark Phi cùng Shark Phú rót tới 330.000 USD (trong đó, Shark Phi đầu tư 180.000 USD), đổi lại 20% cổ phần, kèm ràng buộc thời điểm thoái vốn của các Sharks tối thiểu phải sau 3 năm.
Sau khi Shark Phi xuống tiền, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thương vụ đầu tư này. Mới đây, chị Trương Lý Hoàng Phi đã chia sẻ một trong những tin nhắn gửi đến với nội dung: “Thật sự không có một tí điểm tựa nào để đầu tư vốn vào công ty này cả… Về đầu tư cho họ, chắc là fail tới 99% theo những gì họ vạch ra trong 3 năm tới. Nhưng 1% hên xui, biết đâu đó”.
Đây chỉ là một trong những tin nhắn điển hình mà bà Phi nhận được. Bình luận về nội dung tin nhắn này, Shark Phi chia sẻ: “Shark Tank là show truyền hình “căng thẳng” nhất mà tôi tham gia và cũng là thương vụ ngắn nhất trong “lịch sử đầu tư””.
“Luật chơi của Shark Tank là gần như Shark không biết thông tin chi tiết Startup gặp, Shark không được đề xuất giảm số tiền mà Startup đề xuất đầu tư (chỉ được tăng cổ phần nếu thấy chưa thoả đáng) và đương nhiên, Shark cần tin vào các thông tin pitch của Startup tại trường quay để ra ngay quyết định”.
Shark Phi cũng chia sẻ “khẩu vị” đầu tư của mình – những tiêu chí lựa chọn startup để xuống tiền. Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn chia sẻ của chị dưới đây:
Nguồn: Shark Tank Việt Nam.
“Luật chơi là một thử thách cho Shark. Và tôi tin rằng dù ít tiền hay nhiều tiền (như cách mà khán giả hay bình luận) thì trước khi bước vào trường quay để ngồi vào ghế Shark, mỗi nhà đầu tư đều định hình rất rõ tiêu chí đánh giá làm căn cứ cho bản thân mình ra quyết định.
Có quyết định đầu tư dựa vào yếu tố lợi nhuận được thấy ngay để giảm thiểu rủi ro (vì ai đầu tư cũng cần lợi nhuận, nhưng chỉ là ngắn hạn có ngay hay dài hạn hơn), dựa vào ngành mà Shark am hiểu, vào việc kết nối mắc xích với một hệ sinh thái doanh nghiệp, ngành nghề đang có sẵn, vào sự “thuận tay” và có nghề của Shark trong lĩnh vực đó, và có cả việc đầu tư vào những thứ mới mẻ mà Shark mong muốn tấn công hay mở rộng, đa dạng hoá ngành..
Tất nhiên, dù là tiêu chí nào thì thứ quan trọng nhất vẫn quay về: con người, sản phẩm, thị trường và mô hình kinh doanh. Bức tranh về tài chính nếu có thì cũng là kết quả tổng hoà của những yếu tố trên sau quá trình “vào đường đua”.
Bản thân tôi, con người được xếp vào vị trí đầu tiên và quan trọng nhất trong Startup. Đây là tiêu chí quyết định hoàn toàn.
Trong đó, thứ tôi cần ở team sáng lập – linh hồn trong dự án là (1) tư duy cởi mở, không ngại học hỏi và thay đổi; (2) tôi chia sẻ được core value với họ, tầm nhìn; (3) nhìn thấy được passion và mức độ cam kết của team sáng lập; (4) chuyên môn chuyên biệt của team.
Sản phẩm, thị trường và mô hình kinh doanh đều là những bài toán mà trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu bài toán này luôn có ẩn số. Kinh nghiệm, lợi thế của ngày hôm nay có thể bị thay đổi ngay lập tức bởi ngày mai. Vậy nên, thứ duy nhất cần “cố định” là con người chấp nhận sự thay đổi và theo đuổi tới cùng cuộc chơi “đi tìm ẩn số” đó.
Mặc khác, hỏi rằng tôi có sợ rủi ro không? Quá sợ nữa là đằng khác. Nhưng, tôi chấp nhận một sự mạo hiểm có tính toán, và đồng thời nếu thành công thì thành quả đó đủ để “hy sinh”.
Tôi thích nhìn thấy sự chuyển biến mạnh mẽ với các startup mà tôi tham gia hơn là sự tham gia đơn thuần về tài chính (vì tôi xác định không đầu tư lớn).
Và do đó, tôi sẽ cần tính toán trước thứ lợi thế và những bước đi mà tôi có thể mang đến cho startup đó để ra quyết định. Cho đến khi, startup phát triển và tận dụng hết những nguồn lực cần thiết mà tôi mang lại, tôi sẵn lòng rời bỏ cuộc chơi để nhường chỗ cho những nhà đầu tư giúp startup hiện thực hoá giấc mơ của mình ở giai đoạn tiếp theo.
Tôi đã từng bắt đầu với BSSC với câu chuyện mà ai cũng bảo là sẽ thất bại, là không thể làm được. Nhưng tôi luôn đặt niềm tin vào thứ bất di bất dịch – con người. Tận tâm làm, học hỏi liên tục rồi bạn sẽ nhận được sự ủng hộ cụ thể để tiếp “nhiên liệu” cho “hành trình dài”. Chuẩn bị kỹ, học hỏi, thay đổi nhưng dù thế nào đừng ngừng tin vào bạn, vào thứ bạn đang làm.
Trở lại với câu hỏi mở đầu của tôi: Tôi thấy gì từ ghế Shark? Tôi hy vọng rằng mình (và nhiều Shark khác nữa) sẽ thấy “hoa vàng trên cỏ xanh” trong tương lai thật gần.
Bạn có tin như tôi không?”