Bầu Kiên hiện đang nắm giữ 14.775.000 cp Vietbank (mệnh giá 10.000 đồng/cp) (tương ứng 147.750 cp Vietbank mệnh giá 1 triệu đồng/cp). Số lượng cổ phần dự kiến chuyển nhượng thỏa thuận tương đương 4.080,966 cp (mệnh giá 10.000 đồng/cp). Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ nắm giữ của “bầu Kiên” sẽ giảm xuống 3.32% vốn, tương đương 10.694.034 cp Vietbank.
Bên cạnh đó, ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh – bố mẹ bà Đặng Ngọc Lan đăng ký chuyển nhượng 1.249.934 cp và 2.797.982 cp Vietbank. Hiện ông Đặng Công Minh và bà Nguyễn Thị Kim Thanh đang nắm giữ 8.039.800 cp (2.47%) và 14.069.800 cp (4.33%). Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phần nắm giữ của hai người này sẽ giảm xuống lần lượt còn 6.796.866 cp (2.1%) và 11.271.818 cp (3.47%) Vietbank.
Thời gian dự kiến giao dịch từ 20.12.2017 – 31.12.2018.
Hiện bà Đặng Ngọc Lan đang nắm giữ 14.970.000 cp (mệnh giá 10.000 đồng/cp), tỷ lệ 4.61% vốn (tương ứng 149.700 cp mệnh giá 1 triệu đồng/cp). Bà Lan đang là Thành viên HĐQT của Vietbank.
Theo kết quả kinh doanh năm 2016, vốn điều lệ của VietBank khá khiêm tốn 3.249 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với quy định vốn pháp định tối thiểu của NHNN là 3.000 tỷ đồng. VietBank có tổng tài sản là 36.702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cả năm 2016 là 69 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 27% kế hoạch.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2016 tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, VietBank cho biết những khó khăn của ngân hàng là vốn điều lệ thấp, lỗ luỹ kế nhiều năm. Hệ thống core banking mua từ ACB cách đây 10 năm, không có bảo trì, bảo hành và nâng cấp, đến nay đã quá lạc hậu và bộc lộ nhiều hạn chế.
Sản phẩm chủ yếu của ngân hàng này chủ yếu là huy động và cho vay, dịch vụ để thu phí còn rất ít. Mạng lưới chỉ có 96 điểm giao dịch tại 11 tỉnh thành. Số lượng đơn vị còn kết quả kinh doanh lỗ vẫn nhiều. Hệ thống kiểm soát và quản trị rủi ro còn cần nhiều điểm hoàn thiện. Công tác kiểm soát điều kiện giải ngân lỏng lẻo, nhiều lỗi nghiệp vụ, nhiều rủi ro tiềm ẩn.