Ngày 19/12, CTCP FPT đã ra thông báo hoàn thành việc giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50% tại CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Cty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) – 2 công ty phụ trách hoạt động bán lẻ và phân phối điện thoại, các sản phẩm công nghệ thông tin.
Theo đó, kể từ ngày 18/12, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Retail là 47% và tại FPT Trading là 48%; hai công ty này qua đó trở thành công ty liên kết thay vì công ty con của FPT. Với việc không còn là công ty con, FPT sẽ dừng hợp nhất doanh thu của FPT Retail và FPT Trading kể từ ngày 18/12 tuy vậy vẫn ghi nhận lợi nhuận của 2 công ty này tương ứng với tỷ lệ sở hữu.
Động thái này sẽ khiến doanh thu của FPT giảm đáng kể từ năm 2018 nhưng đây lại là bước đi rất tích cực trong việc đưa FPT trở thành một tập đoàn thuần về công nghệ, viễn thông.
Được biết là một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm hiện đạt khoảng 2 tỷ USD – một con số rất lớn đối với một doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên rất nhiều cổ đông của FPT, đặc biệt là các cổ đông tổ chức nước ngoài lại “kém vui” khi mà 60-70% doanh thu hàng năm của FPT lại đến từ hoạt động phân phối và bán lẻ các sản phẩm điện thoại, công nghệ thông tin của 2 công ty FPT Trading và FPT Retail.
Cơ cấu doanh thu là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để phân ngành doanh nghiệp. Chính vì có tới 2/3 doanh thu đến từ hoạt động thương mại mà nhiều lần FPT đã bị xếp vào nhóm doanh nghiệp “bán buôn, bán lẻ” dù cho lĩnh vực này chỉ đóng góp khoảng 20% lợi nhuận.
Một khi không còn ghi nhận doanh thu từ FPT Trading và FPT Retail thì 2 mảng đóng góp chính vào doanh thu của FPT sẽ là viễn thông của FPT Telecom và phát triển phần mềm với nòng cốt là FPT Software. Đây cũng là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận lâu nay của FPT. Các nguồn thu còn lại gồm có Tích hợp hệ thống, Dịch vụ tin học, Nội dung số, Giáo dục – Đầu tư.
Theo công ty chứng khoán Rồng Việt, việc thoái bớt vốn khỏi FPT Retail và FPT Trading sẽ mang về cho FPT khoản lợi nhuận bất thường khoảng 1.000 tỷ đồng trong quý 4 đồng thời giúp FPT có thêm một khoản tiền mặt đáng kể.
Sau khi bán 47% cổ phần cho Tập đoàn Synnex, hiện FPT Trading đã đổi tên thành CTCP Synnex FPT từ đầu tháng 12. Còn đối với FPT Retail, FPT đã bán 30% cổ phần cho Dragon Capital và VinaCapital và vừa hoàn tất bán tiếp 8% cổ phần cho các nhà đầu tư khác.
Dự kiến FPT Retail sẽ niêm yết cổ phiếu tại HoSE trước thời đểm 30/4/2018.