CTCK Rồng Việt: Bình tĩnh suy xét về KQKD 2017
VNIndex giảm 6,64 điểm về 951,42 điểm với số cổ phiếu giảm giá hoàn toàn lấn át số cổ phiếu tăng giá. Nhóm ngân hàng cùng với các cổ phiếu lớn nhóm tiêu dùng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Trong bối cảnh này, cái tên quen thuộc là ROS lại tăng trần, góp phần giúp kéo thị trường chung đi lên. HNXIndex cũng diễn biến tương tự khi giảm 0,36 điểm.
Sau phiên bùng nổ hôm trước thì chỉ số giao dịch chậm lại với sắc đỏ chiếm ưu thế là việc bình thường. SAB trong phiên quyết định cũng không tăng nhiều và thậm chỉ giảm mạnh trong phiên hôm qua. Do vậy, chúng tôi không đánh giá cao vai trò cú hích của SAB cũng như không cho rằng SAB là yếu tố tác động tiêu cực nhiều đến thị trường.
Thay vào đó, nhìn ở các cổ phiếu trụ thì một số cổ phiếu như VNM, MSN, GAS, VIC đang giao dịch ở vùng đỉnh trong khi các cổ phiếu ngân hàng thì phần lớn vẫn đang ở quá trình phục hồi sau giai đoạn giảm mạnh 15% – 20%. Phiên tăng mạnh làm nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu như vậy sẽ bứt đỉnh nhưng rất nhanh chóng sự “xập xình” trở lại trong phiên hôm qua. Chúng tôi cho rằng sẽ là tốt hơn để thị trường cũng như mặt bằng cổ phiếu ổn định hơn và nhà đầu tư có thời gian suy xét về KQKD 2017 và kế hoạch 2018 trước khi quyết định “đua giá”.
CTCK BSC: Thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi
Chỉ số VN-Index đã giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch, tuy nhiên áp lực bán ra đã tăng mạnh vào cuối phiên chiều. Trong đó, trái ngược với VNM, dù đấu giá thành công với mức giá khá cao nhưng SAB giảm sàn trong ngày hôm qua, cùng với các cổ phiếu ngành Ngân hàng và Bất động sản là nhân tố kéo thị trường giảm điểm. Có thể thấy các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 4 được kỳ vọng tốt đang thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư và tăng điểm tích cực và là trụ đỡ chính cho thị trường như VJC, HPG. BSC nhận định thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi trong những phiên sắp tới khi mà thanh khoản đang dần hồi phục trong khoảng thời gian báo cáo quý 4 đến gần.
Dù vậy, cũng khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mở vị thế với những cổ phiếu có tính thị trường cao khi đã xuất hiện những dấu hiệu giảm điểm ở nhóm này trong phiên giao dịch hôm nay.
CTCK MBS: Dao động giằng co
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 242 tỷ đồng trên HSX. Trong đó, họ mua ròng các mã như HPG (+106,57 tỷ), VCI (+58,88 tỷ), DXG (+39,95 tỷ), NLG (+21,23 tỷ),… Ở chiều ngược lại, họ bán ròng các mã như SAB (-65,88 tỷ), VIC (-8,53 tỷ), MSN (-7,85 tỷ),… Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 31,09 tỷ đồng và mua ròng các mã như VGC (+18,33 tỷ), VND (+15,88 tỷ).
Về mặt kỹ thuật, áp lực bán mạnh trên diện rộng, trong đó nhóm bluechips cũng như vốn hóa lớn chịu sức ép lớn khiến các chỉ số bị đẩy trở lại vùng 950 điểm với VN-Index và 113 điểm với HNX-Index. Dù giảm điểm, nhưng dòng tiền vẫn chảy tích cực vào thị trường cho thấy một bộ phận nhà đầu tư đang tranh thủ gom hàng giá thấp điều này giúp thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao.
Phiên giao dịch tới, các chỉ số có thể dao động giằng co quanh ngưỡng 950 điểm với VN-Index và 113 điểm với HNX-Index. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ danh mục hiện tại, đồng thời quan sát diễn biến thị trường để có hành động phù hợp nhất.
CTCP FPT – FPTS: Dấu hiệu tích cực thì nhóm vốn hóa vừa và nhỏ
Sự phân hóa xuất hiện trở lại ở nhóm vốn hóa lớn có khả năng là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực đảo chiều của VN-Index trong phiên hôm qua.
Tuy nhiên, nhóm vừa và nhỏ lại đang ghi nhận tín hiệu tích cực từ sự gia tăng thanh khoản tại các chỉ số VNMID và VNSML.
Chúng tôi dự báo các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ là đối tượng cần chú ý trong trường hợp VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng tăng ngắn hạn.
Nhà đầu tư lướt sóng có thể xem xét mở vị thế mua tại các nhịp hiệu chỉnh của chỉ số, ưu tiên nhóm cổ phiếu đang tích lũy, có kỳ vọng thông tin tích cực trong kỳ công bố KQKD quý IV sắp tới.
Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những mã cổ phiếu đang có vị thế tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực.
Cách đây không lâu, Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt cũng nhận định những điểm nhấn tháng 11 và thời gian tới chủ yếu từ thông tin thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Sabeco… Ngoài ra, các nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản cũng có sự bứt phá mạnh mẽ.